Dal nhìn một vòng khắp căn hộ, hài lòng vì “đã thấy có không khí Halloween” sau khi thắt xong mối dây cuối cùng của chiếc mạng nhện và đặt quả bí ngô cạnh sofa.
“Nó làm tôi nhớ về những ngày cuối tháng 10 ở quê nhà”, cô gái Philippines 28 tuổi, nói trong căn hộ ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức.
Lần đầu đến TP HCM 5 năm trước, Dal rất hụt hẫng vì không khí trầm lắng của thành phố trong ngày Halloween. Ở quê nhà Philippines của cô, Halloween thường được tổ chức rầm rộ và được kết hợp với ngày lễ Undas liền kề (ngày 1 và 2/11) dành cho các gia đình tưởng nhớ người đã khuất. Hồi nhỏ, Dal thường đến thăm mộ ông bà ở nghĩa trang. Họ dựng lều, ăn tối, chơi trò chơi và đi trick or treat (trẻ em hóa trang và đi xin kẹo) ở nhà họ hàng.
Cô chỉ thực sự cảm nhận được không khí lễ hội khi cùng bạn trai người Ireland chuyển đến phường Thảo Điền, TP Thủ Đức sống.
Ở phường Thảo Điền – nơi được mệnh danh là “khu phố Tây”, các nhà hàng, quán cà phê được trang trí phong cách Halloween với bí ngô đỏ, hình nộm quỷ và ngôi nhà ma. Dal được hàng xóm mời dự tiệc, cô cũng chuẩn bị rượu vang, cocktail, bia và ít đồ ăn nhẹ để góp vui.
Tiệc Halloween mà Dal tham dự thường chú trọng phần hóa trang. Mọi người thường bắt đầu từ 18h và kéo dài quá nửa đêm, cùng nhau uống rượu, trò chuyện và trao giải cho người có màn hóa trang đẹp nhất.
Ba năm qua, Dal nhận ra Halloween đã phổ biến hơn ở TP HCM, đặc biệt là với giới trẻ. Nhiều quán bar, trung tâm mua sắm ở quận 1 đã đồng loạt “thay áo” và tổ chức sự kiện dành cho ngày lễ này. Thậm chí năm ngoái, cô còn thấy trẻ em mặc áo quần giống với nhân vật hoạt hình nhảy theo điệu nhạc vui nhộn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. “Người trẻ ở đây đã ra đường với trang phục hóa trang không còn ngại ngần”, Dal nói.
Ở quận Tây Hồ, Hà Nội, Tamara Hoffman bận rộn chuẩn bị Halloween cho học sinh trong trường mẫu giáo mình đang dạy. Cô gái người Nam Phi đã sống ở Việt Nam 6 năm nói chưa bỏ qua kỳ Halloween nào dù ngày này không phổ biến như ở quê nhà.
Gần đến lễ Halloween năm nay, anh trai cô đang ở Mỹ gửi ảnh hai đứa cháu hóa trang đi trick or treat. “Nó làm tôi nôn nao nhớ quê nhà và muốn học trò mình trải nghiệm”, cô nói. Từ giữa tháng 10, Tamara đã chuẩn bị kẹo và những túi bí ngô. Cô cho học sinh tự lên ý tưởng trang trí góc lớp theo chủ đề.
Tamara Hoffman và bạn bè cho rằng không thể bỏ lỡ Halloween ở các khu phố quanh hồ Tây. Dịp này quán bar đưa thêm dịch vụ thử đồ uống, hát live, thi hóa trang, thu hút hàng trăm người. Dịp lễ năm nay họ dời các sự kiện đến cuối tuần.
Năm ngoái, cô đã hóa trang thành nhân vật ma cà rồng bướm Where’s Waldo (nhân vật truyện tranh) nên năm nay cô mua phụ kiện để hóa thân thành Cruella Devil (phim Cruella).
Conor Kelly, 26 tuổi, đặt chỗ cho buổi tiệc Halloween ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức từ giữa tháng 10. “Dịp này rất đông đúc và đặc biệt đối với người phương Tây”, chàng trai người Anh, nói.
Với Conor, Halloween không chỉ mang tinh thần ma quái mà còn là sự hài hước. Tuổi thơ anh từng trải qua trò chơi như lấy quả táo ra khỏi bát nước bằng răng. Đây là phần tạo nhiều tiếng cười cho ngày lễ nhất. Gia đình anh cũng quây quần xem bộ phim kinh dị như Dracula, Vincent Price, Freddie Krueger hoặc kể lại những huyền thoại ma quái.
Conor nói mình may mắn vì không thấy cô đơn ở TP HCM dù xa gia đình. Anh tìm không khí ở những buổi tiệc hóa trang do cộng đồng người nước ngoài ở phường Thảo Điền tổ chức.
Giữa tháng 10, anh chuẩn bị mua quần, áo, phụ kiện để hóa trang thành một nhân vật âm nhạc. Năm ngoái, anh mặc áo sơ mi đen, quần, thắt cà vạt đỏ và dây nịt đinh, giống với hình tượng nghệ sĩ nhạc rock Billie Joe Armstrong.
Trong khi đó, bạn bè anh hứng thú với trang phục phù thủy Maleficent, pharaoh hoặc những nàng công chúa Disney. Khoảng 19h, họ sẽ đổ về quán bar, trò chuyện, uống bia và trao giải cho người hóa trang ấn tượng nhất.
“Có cộng đồng và những sự kiện Halloween ở đây giúp người nước ngoài như chúng tôi vơi hẳn nỗi nhớ quê nhà”, anh nói.
Ngọc Ngân