Trưa một ngày tháng 8, trong căn nhà nhỏ của bà Hằng ở Phường 12, Quận 4 rộn rã tiếng cười đùa, tạo nên một không gian ấm áp, ngập tràn hạnh phúc. Người phụ nữ 58 tuổi đang hướng dẫn các con cách gọt tỉa trái cây.
Yêu thương như con ruột
“Từ những người xa lạ, chúng tôi gặp nhau, trở thành gia đình” – bà Hằng nhìn các con mỉm cười nói. Bà Hằng từng là sĩ quan quân đội, công tác ở Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son (Tổng Công ty Ba Son), về hưu từ năm 2016. Chồng bà mất gần 20 năm, 2 người con đang sinh sống, làm việc ở xa, nên khi có sinh viên Lào đến sinh sống, cùng ăn cơm, trò chuyện mỗi ngày, ngôi nhà trở nên ấm áp và vui tươi hơn rất nhiều.
Bà từng đỡ đầu các sinh viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) và sau này nhận đỡ đầu thêm các du học sinh Lào đến TPHCM. “Các con sống xa gia đình thiếu thốn tình thương, nên khi được người Việt mình nhận nuôi, các con mừng lắm” – bà Hằng nói.
Năm 2022, bà Hằng tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” và nhận nuôi hai bạn Nando Manivong và Xaiyaphone Inphaeng. Bà đặt cho hai con với cái tên thân mật là Nando và Jac. Khi đó, cả hai đều là sinh viên năm ba, ngành y, nói tiếng Việt khá rành.
Bà Hằng còn nhớ như in khoảnh khắc ngày đầu gặp Nando và Jac. “Vừa thấy tôi, từ trong ký túc xá, hai con chủ động đến nhận “mẹ Hằng” làm tôi ngạc nhiên và xúc động” – bà nhớ lại.
Ngoài Nando và Jac, sau này, bà Hằng còn nhận thêm 4 sinh viên Lào khác. Hiện nhà bà Hằng được xem là đông con nhất trong các hộ gia đình tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”. “Nhà tuy nhỏ nhưng tình cảm bao la. Cả 6 đứa tôi đều đối đãi, thương yêu như con ruột” – bà Hằng tâm sự.
Chia sẻ văn hóa Việt Nam cho các con
Suốt thời gian sống chung một nhà, tình cảm mẹ con thực sự khăng khít, không còn khoảng cách hay ngại ngùng. Mỗi khi trống lịch học, có thời gian là các con lại về nhà phụ mẹ làm bếp.
“Nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười nói. Tôi muốn nấu món ăn Việt Nam thật ngon để giới thiệu cho các con cùng biết, trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình Việt. Bữa cơm nào tôi cũng nấu nhiều thêm một chút để con có thể mang về ký túc xá cho bạn bè cùng thưởng thức” – bà Hằng chia sẻ.
Trong gia đình có sự kiện gì mẹ Hằng cũng đều tạo điều kiện cho các con cùng tham gia. Từ những chuyến nghỉ mát của gia đình, đến đám cưới người quen bà Hằng đều đưa các con tham gia cùng. Không chỉ thế, những lúc rảnh, bà còn khuyến khích các con tham gia những hoạt động tại địa phương như ra quân dọn dẹp vệ sinh đường phố, thi nấu ăn nhân Ngày Gia đình Việt Nam… để các con lưu giữ những kỷ niệm đẹp.
“Tôi dạy các con nấu các món ăn của người Việt Nam như chả giò, canh cá thác lác, cà ri… Những ngày rảnh rỗi, khi không có tiết học, các con cứ chạy về nhà quây quần bên mẹ, chia sẻ chuyện vui buồn, hoặc dạy nhau những điệu múa, câu hát truyền thống của đất nước mình” – bà Hằng bộc bạch.
Xaiyavong Duangmany (sinh viên năm 4, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đến Việt Nam vào năm 2019. Khi ấy, Việt Nam trong mắt Duangmany vẫn còn xa lạ. “Cảm giác nhớ nhà luôn hiện hữu trong tôi. Tôi thèm khát một bữa cơm gia đình” – Duangmany nhớ lại. Sự xuất hiện của mẹ Hằng cùng những anh chị em mới, nỗi nhớ quê đã phần nào vơi đi với Duangmany.
Khi mới sang, Duangmany không ăn được món Việt, phải thủ sẵn mì Lào để thay thế. Có khoảng thời gian cô sinh viên 22 tuổi này muốn trở về Lào. “Nhưng rồi ở nhà mẹ Hằng, mẹ dạy nấu ăn, có thời gian rảnh thì mẹ bảo mấy đứa về. Nhờ vậy mà tôi có thể quen dần với nền ẩm thực Việt Nam và xem nơi đây như gia đình thứ 2 của mình” – Duangmany nói.