Chủ nhật, 04/08/2024 10:30 (GMT+7)
–Ngoài ra, Thành Trung có thời gian 10 năm đi đấu võ chuyên nghiệp trước khi theo học chuyên ngành diễn xuất. Ở tuổi 41, Thành Trung tiếp tục thử thách, đổi mới bản thân khi tham gia “Anh trai vượt ngàn chông gai“.
Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với MC Thành Trung về hành trình sự nghiệp có nhiều bước ngoặt của anh.
Tham gia “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng 32 nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực chắc hẳn là một trải nghiệm đặc biệt với Thành Trung. Điều anh ấn tượng nhất khi góp mặt trong chương trình?
– Trong nhà chung, chúng tôi trải qua nhiều chuyện. Tôi vẫn nói đó là ngôi nhà của những người đàn ông nhiều chuyện, nhà trẻ của những đứa trẻ không còn trẻ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được xem bóng đá với nhiều nghệ sĩ đến vậy.
Trong 5 kỳ EURO, World Cup gần nhất, tôi không bỏ trận nào và luôn lên sóng với vai trò bình luận. Năm nay, tôi gần như không bình luận trận đấu nào nhưng bù lại, tôi được xem bóng đá trong không gian rất đặc biệt. Hơn 30 người cùng xem bất kể họ có yêu bóng đá hay không.
Tôi, anh Tự Long, anh Tiến Luật, Hà Lê hay xem bóng đá nhưng có người như BB Trần, Duy Khánh thì chưa từng xem EURO, có khi còn không rõ luật bóng đá. Nhưng chúng tôi xem cùng nhau một cách hồn nhiên, thức đến 4 giờ sáng. Đến 6 rưỡi, 7 giờ chúng tôi đã dậy để bắt đầu ghi hình. Thế nhưng ai cũng vui vẻ.
Nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình đã chia sẻ rằng họ bật khóc, xúc động, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tham gia chương trình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Anh thì sao, có khóc không?
– Tôi không khóc cho mình mà rơi nước mắt đồng cảm với những câu chuyện của đồng nghiệp. Tôi khóc vì hành trình của họ, vì nghị lực của họ. Nước mắt ở “Anh trai vượt ngàn chông gai” nhiều hơn những gì khán giả tưởng tượng.
Thành công lớn nhất của chúng tôi, trước khi show lên sóng và được khán giả yên mến, chính là tình cảm mà 33 người dành cho nhau. Có những người chưa bao giờ biết nhau, có những người đã quen thân, nhưng chúng tôi trở thành một gia đình rất đông, hứa sẽ đồng hành cùng nhau. Khán giả sợ phải chia tay một ai đó trong 33 “anh tài” bao nhiêu thì chúng tôi cũng sợ bấy nhiêu. Chúng tôi sợ phải xa một người thân, xa một người mình đã gắn kết.
Những màn trình diễn nhóm đang tạo sức hút cho chương trình, nhưng lại bị cho rằng chịu ảnh hưởng lớn từ K-Pop. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
– Tôi thấy những màn trình diễn sau concert đầu tiên được dàn dựng công phu. Tôi và các đồng nghiệp hay nói rằng chúng tôi may mắn vì được làm việc với một êkíp rất chuyên nghiệp. Về âm nhạc, SlimV là giám đốc âm nhạc, sản xuất cùng Space Speaker. Tôi đã có cơ hội làm việc với họ khi dẫn chương trình “The Remix” mùa 2. Tôi bất ngờ khi thấy sự đa dạng và độ chín của SlimV ở thời điểm hiện tại, khi anh có nhiều góc nhìn đa dạng để làm nhạc.
Những ý tưởng về âm nhạc của chúng tôi qua bàn tay của SlimV gần như không có gì phải chê trách, chỉnh sửa. Đạo diễn sân khấu Đinh Hà Uyên Thư sắp xếp cho sân khấu lên hình đẹp như quay MV. Vì vậy, mỗi giây phút chúng tôi đứng trên sân khấu “Anh trai vượt ngàn chông gai”, thật sự là những khoảnh khắc đáng nhớ, để đời trong sự nghiệp.
Bản thân tôi cũng có tuổi trẻ gắn bó với âm nhạc, theo dõi nhiều ban nhạc nam đình đám như The Beatles, Backstreet Boys… Nhưng những nhóm nhạc kèm theo vũ đạo thì phải nói đến K-Pop. Đó là nền âm nhạc gần gũi với khán giả châu Á. Ở Anh trai vượt ngàn chông gai, các nhóm có khoảng 4 – 5 người, vừa kết hợp giữa kiểu trình diễn nhóm Âu Mỹ, vừa có vũ đạo và hiệu ứng sân khấu như K-Pop, lại có sự hoài niệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các chương trình truyền hình thực tế như “Anh trai vượt ngàn chông gai” đang có được sức hút là bởi mang đến “cơn gió lạ” cho đời sống âm nhạc Việt, anh có nghĩ như vậy?
– Tôi nghĩ rằng điều “lạ” nhất của chương trình là những người chưa bao giờ hát, đã đứng trên sân khấu được nhiều khán giả nhận xét là đầu tư như một concert chuyên nghiệp, để có dịp thể hiện mình và trình diễn như một ca sĩ. Nhiều người trong chúng tôi không phải ca sĩ, nên màn trình diễn của chúng tôi mang đến sự tò mò cho khán giả.
Ở Trung Quốc, chương trình này cũng là một trong những show có format âm nhạc thành công nhất trong 5 năm trở lại đây. Khi được Việt hóa, nhà sản xuất cũng có những thay đổi để dung hòa giữa việc tôn trọng format gốc nhưng phù hợp với nghệ sĩ, khán giả Việt Nam.
Thành Trung đã đi một chặng đường dài, từng xuất thân với công việc diễn viên nhưng hiện gắn bó với nghề dẫn chương trình. Anh nhìn nhận thế nào về những được – mất ở showbiz?
– Người xưa có câu “nghề nào nghiệp nấy”. Nghề của chúng tôi bắt đầu bằng sự nổi tiếng nhưng có khi kết thúc bằng tai tiếng. Không ai dám nói rằng mình hoàn thiện, không có góc khuất, công chúng thì luôn đứng ở nhiều góc độ để đánh giá câu chuyện của người nổi tiếng. Chính những góc nhìn đó có thể khiến một người sụp đổ danh tiếng sau một đêm, hoặc khiến những người chưa đủ va vấp phải gục ngã. Đã có nhiều câu chuyện như vậy không chỉ ở Việt Nam.
Tôi may mắn có được sự yêu mến của khán giả, may mắn được làm nghề mình yêu thích và nghề đó cũng khai thác hết được tố chất của mình. Nhưng khi không còn duyên, tôi vui vẻ và có thể chuyển sang làm công việc khác.
Nói về đánh đổi, tôi nghĩ chúng tôi phải đánh đổi nhiều. Theo tôi, nghệ sĩ là nghề có xác suất thành công thấp nhất trong tất cả các nghề. Hàng nghìn người đi theo con đường này, không phải ai cũng may mắn, được ưu ái để nổi tiếng.
Trong khi có những người vất vả cả cuộc đời, luyện rèn vất vả nhưng cũng chỉ đủ sống, có khi không lo nổi cơm áo gạo tiền, chưa một lần nổi tiếng. Có những người yêu nghề nhưng sống cả đời vất vả, rồi lại phải rẽ bước. Để có được nền văn hóa nghệ thuật như hiện, đã có hàng nghìn nghệ sĩ thầm lặng hy sinh. Trông nghệ sĩ lên hình rất lung linh, bóng bẩy, nhưng họ cũng có góc khuất không thể chia sẻ với khán giả.
Anh từng được kỳ vọng sẽ là gương mặt kế tiếp thế hệ NSND Xuân Bắc, Tự Long khi tham gia “Gặp nhau cuối tuần” một thời, anh có tiếc nuối khi không còn gắn bó với nghề diễn?
– Diễn xuất là hành trình tôi tạm khép lại khi tập trung cho công việc MC. Trong tương lai, nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ trở lại đóng phim. Không chỉ đến với khán giả, mà chính tôi cũng được sống với công việc mình rất đam mê.
Tôi kính nể tài năng của NSND Tự Long. Nói đúng hơn, những người quen biết chúng tôi đều nói rằng Thành Trung bằng Xuân Bắc cộng Tự Long chia đôi.
NSND Xuân Bắc không phải người đưa tôi đến “Gặp nhau cuối tuần” nhưng là người dìu dắt, giúp đỡ tôi trở thành MC. Năm 2003, anh Xuân Bắc gọi điện thoại cho tôi và nói tôi thử sức làm MC ở một quán cà phê ca nhạc nổi tiếng thời đó. Đó là nơi anh Xuân Bắc và anh Tự Long thành danh những ngày đầu. Sau này, khi trở thành một MC truyền hình, những lúc gặp khó khăn, tôi luôn tìm đến lời khuyên của anh.
Ở tuổi ngoài 40, anh có thể kể về những điều anh đang “giàu” nhất?
– Nhờ được khán giả yêu thương, được các đài truyền hình tạo điều kiện, tôi có điều kiện sống tốt. Có thể tôi có cuộc sống tốt hơn một số người, nhưng tôi cũng chưa là gì khi so với nhiều người khác. Tôi vui sống với những gì mình đang có.
Tôi vẫn nói với vợ, tôi không tích lũy thêm quá nhiều hay lo cho con cái, mà tôi sống mỗi ngày để xứng đáng với những gì mình có, sống chia sẻ và vui vẻ. Tôi nghĩ thứ “giàu” nhất mà tôi có là tinh thần, kiến thức, trải nghiệm của mình. Việc học là việc suốt đời, thử thách và trải nghiệm vẫn còn đó, nhưng tôi hạnh phúc vì tôi có niềm tin vào bản thân, tôi có sức mạnh để đón nhận và đối mặt với bất kỳ điều gì xảy đến trong cuộc sống. Đôi khi sướng hay khổ là do suy nghĩ của chúng ta. Chỉ cần có góc nhìn đúng, ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc mà không phụ thuộc hoàn toàn vào vật chất.
Khi xem Thành Trung biểu diễn như một thần tượng của nhóm nhạc nam, vợ và gia đình anh phản ứng thế nào?
– Ban đầu, vợ tôi lo lắng và sợ rằng tôi không thể đứng cạnh những ngôi sao hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng giờ thì cô ấy rất tự hào vì tôi vượt qua chính mình, làm được những điều chính vợ tôi cũng không nghĩ rằng tôi làm được.