Ngày 23.7, thế giới kỷ niệm Ngày Cá voi và Cá heo Quốc tế. Ngày 23.7.1982, Ủy ban Cá voi Quốc tế đã ban hành lệnh cấm khai thác đánh bắt công nghiệp với các loài động vật có vú ở biển.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản sử dụng chúng vào mục đích quân sự. Theo Sputnik, có những chương trình huấn luyện các loài động vật như vậy ở cả Nga và Mỹ.
Dự án thời Liên Xô
Ngay từ những năm 1960, Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu khả năng sử dụng cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) cho mục đích quân sự. Một trung tâm khoa học – nghiên cứu đã được thành lập ở khu vực bờ Biển Đen, và năm 1975, những “vận động viên bơi lội chiến đấu” đầu tiên đã được đưa vào đội ngũ phục vụ.
Qua quá trình nghiên cứu đã xác minh được rằng các loài động vật có vú ở biển có khả năng chiến đấu không thua kém gì các đồng nghiệp trên cạn, thậm chí cả chính huấn luyện viên của chúng.
Các con vật được dạy cách truy tìm và tiêu diệt những biệt kích phá hoại dưới nước. Trong môi trường nước, cá heo mũi chai hành động nhanh hơn và cơ động hơn nhiều so với một người, kể cả là người có thể lực tốt nhất.
Hơn nữa, cá heo có thể phá hủy hoặc gây hư hại nghiêm trọng cho tàu chiến – có những loại mìn đặc biệt với khóa dán từ tính đã được sáng chế dành cho mục đích này.
Đạn được gắn trên lưng con vật. Cá heo mũi chai chỉ cần bơi lên và tựa mình vào thân tàu để “món quà tử thần” bám chặt vào vỏ thép. Một lỗ thủng bên dưới mực nước không đảm bảo phá hủy con tàu nhưng buộc chiến hạm phải ngừng hoạt động một thời gian dài.
Mỹ cũng có chương trình đào tạo động vật có vú dưới nước cho nhu cầu quân sự tại căn cứ ở San Diego. Cùng đội với cá heo mũi chai là sư tử biển California (Zalophus californianus), có khả năng thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu còn phức tạp hơn cả cá heo.
Giờ đây, chương trình huấn luyện động vật có vú dưới biển cả của Mỹ và Nga đều thuộc loại tuyệt mật. Không hề có dữ liệu chính thức nào về việc sử dụng cá heo, sư tử biển hoặc cá voi beluga cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, năm ngoái, truyền thông phương Tây liên tục đưa tin rằng Nga sử dụng những con cá heo đã qua huấn luyện để bảo vệ căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Thông tin được nêu trên trang Navalnews.
Hồi sinh chương trình tuyệt mật
Theo Sputnik, khi Liên Xô tan rã và phân chia Hạm đội Biển Đen, đơn vị quản lý cá heo thuộc về Ukraina, và chương trình này được cho là bị chấm dứt.
Năm 2014, Crimea sáp nhập Nga, căn cứ Hạm đội Biển Đen quay trở lại và công việc được đẩy mạnh. Tháng 3.2016, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 5 con cá heo mũi chai Biển Đen với tổng chi phí là 1,7 triệu rúp (19.700 USD).
Theo dữ liệu từ cổng thông tin về các đơn đặt hàng nhà nước, cá heo dành cho cơ quan quân sự phải đáp ứng những yêu cầu sau: tỉ lệ con cái so với con đực là 2/3, độ tuổi tối thiểu là 3 tuổi, tối đa là 5 tuổi, tổng chiều dài cơ thể tối thiểu là 2,3 mét, tối đa là 2,7 mét, tình trạng da toàn thân không có tổn thương rõ ràng.
Huấn luyện cá heo cho mục đích quân sự là đề xuất do Emmanuel Nobel, cháu trai của nhà phát minh nổi tiếng, nêu ra ngay từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, mãi sau này ý tưởng đó mới được công nhận.
Năm 1915, chuyên viên dạy thú Vladimir Durov đã thỉnh cầu Bộ Tổng tham mưu Hải quân Đế chế Nga, đề nghị dùng sự trợ giúp của hải cẩu đề vô hiệu hóa mìn rải dưới nước.
Bộ Chiến tranh của Đế chế quan tâm đến ý kiến này và sau ba tháng, có hai chục con vật đã được đào tạo ở Vịnh Balaklava.
Hiện tại, không loại trừ khả năng Hải quân Nga cũng đang tiến hành hoạt động nghiên cứu – đào tạo cá heo cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, đề tài “chiến binh cá heo” luôn thuộc loại tuyệt mật nên rất khó đoán định.