Nguyễn Duy Hưng (sinh năm 2002), sinh viên năm tư Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, bắt đầu nuôi kiến từ hơn 1 năm trước, xem đây là một hoạt động để thư giãn đầu óc.
Duy Hưng chia sẻ: “Thời điểm đó, em ở ký túc xá nên phải cân nhắc khi lựa chọn vật nuôi. Sau khi tìm hiểu, em thấy nuôi kiến rất phù hợp vì chiếm diện tích nhỏ, kiến có tập tính xã hội cao và quan trọng giúp em xả stress sau những ngày học căng thẳng”.
Theo Duy Hưng, khó khăn lớn nhất mà em gặp phải khi bắt đầu là việc thiết kế, sản xuất tank kiến (tổ kiến). Nam sinh đã mất khá nhiều thời gian để cho ra đời những tank kiến đầu tiên bằng công nghệ in 3D tại phòng lab trường.
Một tank có hai phần chính, phần tổ nhân tạo bên dưới và phần trên mô phỏng không gian săn mồi của kiến.
“Sau khi hoàn thành những sản phẩm đầu tiên, được nhiều người biết đến và hỏi mua, em nhận thấy đây là công việc kinh doanh tiềm năng. Hiện thu nhập mỗi tháng của em đủ để trang trải cuộc sống và phụ giúp thêm cho gia đình”, Duy Hưng bộc bạch.
Ngoài ra, theo Duy Hưng, thêm một khó khăn gặp phải là tâm lý lo lắng từ người thân trong gia đình, bởi mọi người kỳ vọng em sẽ tập trung học, ra trường tìm được công việc ổn định hơn chứ không phải là nuôi kiến như bây giờ.
Duy Hưng hiện đang nuôi hơn 100 dòng kiến khác nhau. Hưng đặc biệt yêu thích dòng kiến lửa (Solenopsis) của Việt Nam vì sức sống mãnh liệt, khả năng thích nghi tốt và tốc độ sinh sản nhanh.
Chia sẻ về dự định tương lai, Hưng cho hay: “Em muốn xây dựng các mô hình tank kiến gần gũi hơn với học sinh, sinh viên để mọi người có thể trải nghiệm và tìm hiểu rõ hơn về loài kiến”.