TP HCMTrưa cuối tuần, trong căn bếp ở quận Tân Bình, chị Phương Anh chuẩn bị bữa ăn cho 7 người con gồm ba con ruột và bốn đứa con người Lào.
Chị rán nem để các con phụ nhặt rau, thái tỏi ớt. Bữa ăn có đủ các món Việt, Lào như lạp (gỏi thịt), bún chả và nem rán. Từ khi có thêm con, chị chú ý nêm thức ăn có chút cay và mặn phù hợp với khẩu vị Lào của chúng.
Sau bữa ăn, mấy mẹ con ngồi trò chuyện thêm mấy tiếng rồi chị tranh thủ gói thêm trái cây để con mang về ký túc xá ở quận 3.
Hai năm trước, Phương Anh, một cán bộ phường ở quận Tân Bình, tình cờ biết đến chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” ở TP HCM. Các mẹ nhận đỡ đầu, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần của sinh viên trong thời gian ở Việt Nam.
Chị nghĩ con mình cũng trạc tuổi, nếu chúng đi học xa, cũng bơ vơ và thiếu điểm tựa nên muốn giúp đỡ. Hè năm 2022, chị chuẩn bị món quà nhỏ đến buổi giao lưu ở quận 1 để tặng đứa con đầu tiên.
Phương Anh hồi hộp khi thấy Kiyang Kangpao, nam sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam diện học bổng. Cậu nhút nhát, không rành đường sá, đã học một năm tiếng Việt nhưng nói vẫn chưa tốt.
Chị bắt đầu chào hỏi, giới thiệu về bản thân mình, trao đổi số điện thoại. Đầu tuần, Phương Anh đều nhắn cho con hỏi thăm sức khỏe, chúc học tốt và mời sang nhà dùng cơm.
Chị âm thầm tìm hiểu thêm văn hóa Lào, Tết Bunpimay (14-16/4) hàng năm, gửi quà chúc mừng khiến chàng trai Lào xúc động. Tranh thủ vài ngày nghỉ của năm học, Kiyang Kangpao, rủ mẹ đi địa đạo Củ Chi và Cần Giờ tham quan.
“Tình cảm đến rất tự nhiên, gần gũi”, Phương Anh nói. Đều đặn sang năm thứ ba, chị Phương Anh đã nhận tổng cộng bốn con nuôi, đều là người Lào.
Chị Trương Thúy Uyên, 58 tuổi, đã nhận đỡ đầu 8 sinh viên người Campuchia (một số đã về nước) nói không phải quá trình hòa nhập nào cũng suôn sẻ. Nhà Uyên ở quận 4 có ba người gồm chị, mẹ ruột và con trai, đều hiếu khách, ủng hộ việc làm của chị.
“Đa phần các bạn mới sang đều rất nhát, sợ, khó tin tưởng và ngại tiếp xúc người lạ”, chị nói. Uyên nhớ sau buổi gặp con, chị nhắn tin hỏi thăm nhưng hiếm khi được phản hồi. Nhiều em chưa rành tiếng Việt, nên xưng “em và mẹ”. Chị ngỏ ý mời sang nhà chơi nhưng các con phản hồi bận học. Thậm chí, một người trong nhóm “mẹ đỡ đầu” cho tiền nhưng con cũng sợ, đạp xe đến nhà trả lại.
“Mọi thứ đều phải rất từ tốn, tránh làm xáo trộn tâm lý con”, chị kể. Đợt dịch Covid-19, Leangcheng, 23 tuổi, một trong số các con của chị Uyên bị nhiễm virus, kẹt trong khu phong tỏa. Cô gái mới sang Việt Nam, nhớ nhà, tủi thân nên khóc nhiều.
Uyên mua trái cây, thuốc, gạo, dầu ăn bó thành túi lớn rồi nhờ con trai gửi vào khu cách ly. Mỗi ngày, chị đều nhắn tin động viên con gái. Từ đó, Leangcheng cảm nhận mình có một gia đình ở Việt Nam.
Chandara, 22 tuổi, khoa Xây dựng, trường Đại học Tôn Đức Thắng là sinh viên gần gũi nhất với gia đình Uyên nhất. Chị vô tình biết được con mất mẹ ruột khi vào đại học, bố ở quê nhà già yếu, chị gái cũng khó khăn. Cậu sang Việt Nam diện học bổng, tính thật thà, ít nói, không nhiều bạn bè.
Chị đưa Chandara về nhà dịp đám giỗ để cậu cảm nhận không khí gia đình, thi thoảng cho em ít tiền làm lộ phí. Chị cũng gói bánh, kẹo, trái cây để Chandara mang về ký túc xá. Dần dần, cậu thân thiết như người nhà. Cậu trò chuyện với mẹ ruột chị Uyên, cụ bà 87 tuổi, đang bị liệt, xắn tay giúp đỡ, dọn dẹp nhà cửa. Trong dịp Tết Việt Nam, Chandara vẫn được nhận lì xì như con cháu trong gia đình.
Uyên là một trong 96 gia đình nhận đỡ đầu cho sinh viên Campuchia và Lào trong năm 2024 trong chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức. Số lượng này tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái.
Khanthanou Tou, sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói bố mẹ ở Vientiane (Lào) không ngừng lo lắng khi anh sang Việt Nam cách đây hai năm. “Thức ăn không quen, đường sá đông đúc, em không nhiều bạn, cảm thấy rất cô đơn”, Khanthanou nói. “Cho đến khi gặp bố mẹ đỡ đầu, em mới biết người Việt thân thiện, dễ mến thế nào”.
Mỗi ngày, họ đều nhắn cho Khanthanou để hỏi thăm việc học hành, có muốn ăn gì hoặc đi đâu chơi không. Khi nam sinh cảm thấy đau ốm, mệt mỏi, anh luôn biết mình có thể gọi cho bố mẹ đỡ đầu.
Ông Uch Leang, học giả Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, chủ tịch Hội cựu lưu học sinh Campuchia ở Việt Nam, nói chương trình trên tạo điều kiện thế hệ trẻ tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt Nam và giúp thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp. “Đây là cách ươm mầm hữu nghị hiệu quả và đặc biệt ý nghĩa với sinh viên Campuchia”, ông nói.
Giữa tháng 6, bà Uyên đón xe đến Campuchia thăm gia đình của Leangcheng. Nhà cô nằm trong ngôi làng nhỏ ở tỉnh Kampong. Bố làm ở lò đất sét, mẹ bán tạp hóa, nhà vách đất không có ghế ngồi.
Sau những năm du học, Leangcheng đã có việc làm ổn định, dành dụm gửi về cho gia đình 200 USD mỗi tháng. Cô đã tự tin, không còn rụt rè khiến Uyên tự hào về con. Lúc ra về, mẹ Leangcheng níu tay chị Uyên để gửi lời cảm ơn đã bảo bọc con gái những năm du học.
“Tôi cảm thấy chính con bé mới cho tôi được làm mẹ lần nữa và có nhiều yêu thương”, chị nói.
Ngọc Ngân