Lớp AI của những học viên đầu bạc

Hà NộiChiều cuối tuần trong ngôi nhà cuối ngõ, ông Dương Sơn Thạc quẹt màn hình điện thoại, bắt đầu những thao tác làm quen với AI.

“Tôi học AI vì không muốn bị lạc hậu quá xa với cuộc sống”, người đàn ông 75 tuổi ở tổ dân phố 9, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy nói.

Trước đây, ông chỉ biết dùng điện thoại để đọc báo, gọi điện, chưa từng vào Facebook, TikTok hay các ứng dụng AI. “Nhìn con cháu thành thạo công nghệ, tôi cũng muốn học nhưng không biết bắt đầu từ đâu”, ông nói.

Khi tổ dân phố tổ chức lớp học về AI và chuyển đổi số cho người cao tuổi, ông Thạc là người đầu tiên đăng ký. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông cùng gần 20 học viên bắt đầu làm quen với những khái niệm mới mẻ ChatGPT, Gemini, VNeID, QR Code…





Lớp học AI miễn phí cho người cao tuổi ở quận Cầu Giấy do ông Đinh Ngọc Sơn đứng lớp, 1/4/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Lớp học AI miễn phí cho người cao tuổi ở quận Cầu Giấy do ông Đinh Ngọc Sơn đứng lớp, 1/4/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Sau buổi học đầu tiên về AI, ông Thạc đã có thể tra cứu thông tin về chế độ ăn uống, lập kế hoạch sinh hoạt khoa học và tìm lời khuyên về các bài tập phù hợp với thể trạng. Thậm chí ông còn biến ChatGPT thành trợ lý để lập kế hoạch sinh hoạt cho khu dân cư hay trả lời những thắc mắc về sức khỏe của những người bạn cao tuổi.

Nhờ AI, ông Thạc còn hệ thống lại những kiến thức đã rơi rụng. Giờ đây, ông có thể trò chuyện với con cháu về nhiều lĩnh vực, từ y tế, khoa học đến lịch sử.

Với bà Phạm Thị Huệ, 70 tuổi, cùng tổ dân phố với ông Thạc, ChatGPT là trợ lý giúp tập làm thơ, viết lời chúc tặng bạn bè, con cháu. Bà còn biết cách tra cứu thông tin trên BusMap để dễ dàng đi xe buýt và đặt xe ôm công nghệ. Thay vì trả tiền mặt như trước, bà liên kết tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến.

“AI giúp tôi chủ động hơn trong cuộc sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào con cháu và cảm thấy bản thân vẫn bắt kịp thời đại’, bà nói.

Người cao tuổi đi học AI

Buổi học về AI và chuyển đổi số tại lớp ông Đinh Ngọc Sơn, ngày 1/4/2025. Video: Nga Thanh

Người đứng lớp “Chuyển đổi số và AI” của tổ dân phố số 9 là ông Đinh Ngọc Sơn, bí thư chi bộ, nguyên phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Học viên đều trong độ tuổi 65-85, có người từng là giáo sư, tiến sĩ nhưng cũng nhiều người lần đầu chạm vào chiếc smartphone.

Mỗi lớp có khoảng 20 học viên, tổ chức vào sáng, chiều hoặc tối để phù hợp với lịch sinh hoạt. “Họ đến đây với mong muốn hiểu về công nghệ, không bị tụt lại trong thời đại số”, ông Sơn nói.

Ông từng là giảng viên truyền thông, có kinh nghiệm về chuyển đổi số và AI. Khi thấy Nhà nước đẩy mạnh phổ cập công nghệ, ông muốn người già cũng được tiếp cận thay vì bị bỏ lại phía sau.

Ông Sơn mở lớp thí điểm tại nhà, tự soạn nội dung, đứng lớp và hỗ trợ kỹ thuật. Chương trình của ông tập trung vào những kỹ năng có ứng dụng thực tế như các công cụ AI, sử dụng phần mềm định danh điện tử (VNeID), tra cứu lịch trình xe buýt, thủ tục hành chính.

Bài học đầu tiên giới thiệu về trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn sử dụng ChatGPT và Gemini. Buổi thứ hai giảng về chuyển đổi số qua các ứng dụng quan trọng như VNeID, iHanoi, thuế điện tử, BusMap, gọi xe công nghệ, mua hàng online, đồng thời cảnh báo các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Buổi cuối cùng các học viên thảo luận về mạng xã hội, hướng dẫn sử dụng AI để làm thơ, nghe nhạc, sáng tác.

Đến nay ông Sơn đã tổ chức được bốn khóa với gần 100 học viên. Ông biết còn nhiều người chưa thể tham gia do bận rộn hoặc sức khỏe không đảm bảo. “Không ai là quá già để học điều mới nếu có sự cố gắng”, ông nói.

Sau mỗi lớp, học viên tiếp tục tự nghiên cứu, chia sẻ kiến thức với nhau, giúp lớp học ngày càng phát triển và lan tỏa đến nhiều người.





Ông Dương Sơn Thạc, 75 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy chăm chú học AI, ngày 1/4/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Dương Sơn Thạc, 75 tuổi, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy chăm chú học AI, ngày 1/4/2025. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Bà Nguyễn Nga, 65 tuổi, nói sau khi tham gia khóa học đã thành thạo sử dụng ChatGPT để làm thơ, sáng tác nhạc và chỉnh sửa ảnh bằng Gemini. Bà cũng hiểu rõ các mánh khóe lừa đảo bằng AI, đặc biệt là hình thức giả mạo video call để vay tiền.

Tại các buổi học, bà vẫn mang sách vở để ghi chép, thực hành trên lớp và tiếp tục luyện tập tại nhà. Với ChatGPT, bà có thể nhập dữ liệu bằng văn bản hoặc giọng nói để tìm công thức nấu ăn, tra cứu thông tin sức khỏe, phòng tránh bệnh theo mùa. Khi nghe con cháu nói chuyện có từ ngữ khó hiểu, bà cũng nhờ AI giải thích để theo kịp câu chuyện.

Tận dụng thời gian rảnh bà Nga lại mở ChatGPT để học ngoại ngữ và tìm hiểu văn hóa các quốc gia qua video.

“Trước đây tôi không nghĩ mình có thể tiếp cận được những công nghệ này. Nếu không học, tôi sẽ mãi tụt hậu”, bà Nga nói.

Nga Thanh – Quỳnh Nguyễn



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *