Lo ngại đảo lộn cuộc sống vì cấm xe máy xăng

Hà NộiBữa cơm tối hai ngày qua của gia đình ông Hùng chỉ xoay quanh chuyện sẽ sinh sống thế nào nếu xe máy xăng bị cấm từ tháng 7 năm sau.

“Nhà tôi có 6 chiếc xe máy, chiếc mới nhất ba năm tuổi, chiếc ‘già’ nhất gần 30 năm. Tất cả đều là cần câu cơm”, ông Văn Hùng, 70 tuổi, ở phường Ba Đình cho biết.

Vợ chồng ông Hùng làm nghề buôn gà, mỗi ngày chạy xe hơn 40 km xuống Hà Đông lấy hàng. Hai con trai ông làm nghề giao hàng và chạy xe công nghệ. Những thành viên còn lại dù là nhân viên văn phòng, học sinh cũng thường xuyên di chuyển ngoài đường. Đề xuất cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ năm sau khiến cả nhà như ngồi trên đống lửa.

Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đảm bảo từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Lộ trình tiếp theo là hạn chế ôtô cá nhân chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2 từ năm 2028 và mở rộng ra Vành đai 3 vào năm 2030.

“Biết là chính sách này để giảm ô nhiễm nhưng với người lao động chúng tôi cái lợi chưa thấy đâu, mà cái khó đã rõ ràng. Từ nay đến năm sau lấy đâu ra hơn trăm triệu đồng để mua 6 xe máy điện””, ông Hùng nói.

Người đàn ông 70 tuổi cho biết ba năm trước gia đình từng mua một xe điện, hy vọng tiết kiệm chi phí xăng dầu. Nhưng sau vài tháng, họ phải “bỏ của chạy lấy người”. Nhiều hôm đi làm về mệt, ông quên sạc xe, sáng hôm sau không đủ pin để đi xa. Lo ngại cháy nổ, ông cũng không dám cắm sạc qua đêm.

Điều thất vọng nhất là sức tải của xe điện yếu, không thể chở hai người và cả lồng gà. Dùng được vài tháng, ắc quy nhanh hao, pin chai, chiếc xe phải bán lại với giá bằng một nửa.

Giờ ông Hùng không dám tưởng tượng cảnh sân nhà cắm sạc cùng lúc 6 chiếc xe điện hàng đêm. Nhỡ mất điện là cả nhà rơi vào tình cảnh bị “trói chân”, không thể đi làm, đi học.





Cháu gái của ông Hùng đang kiểm tra lại chiếc xe điện đã chai ắc quy, trước khi mang đi bán do không phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cuối năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cháu gái ông Hùng đang kiểm tra lại chiếc xe điện trước khi mang đi bán do không phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, cuối năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhưng anh Hoàng Minh, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở đường Láng, Đống Đa lại ủng hộ chính sách này. Nhà ở Chương Mỹ, hơn một năm nay anh đã kết hợp sử dụng xe điện và đường sắt trên cao đi làm hàng ngày.

Thừa nhận sử dụng phương tiện công cộng kết hợp với xe điện buộc mọi người phải đi sớm, xe chạy chậm hơn nhưng bù lại không phải hít khói bụi, mỗi tháng vợ chồng anh tiết kiệm gần một triệu đồng tiền xăng.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, chủ đề “nên hay không cấm xe máy xăng vào nội đô” đang gây ra nhiều tranh cãi. Một luồng ý kiến ủng hộ, cho rằng đây là bước đi cấp thiết hướng tới chất lượng sống cao hơn. “Tôi đã chuyển sang chạy xe điện gần một năm, thấy xe chạy êm, không mùi xăng, chi phí vận hành thấp. Chỉ cần thêm các chính sách hỗ trợ, chắc chắn nhiều người sẽ chuyển đổi”, tài khoản tên Phi Long bình luận.

Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng lộ trình quá gấp gáp, gây khó khăn cho nhiều gia đình, cần thực hiện từng bước theo lộ trình. Luồng ý kiến này đề xuất nên bắt đầu bằng việc ngừng cấp đăng ký mới cho xe máy xăng, sau đó loại bỏ dần các xe cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải theo từng giai đoạn 5 năm kèm hỗ trợ cho người dân. Đồng thời nhà nước đẩy mạnh đầu tư cho giao thông công cộng xanh, nâng cấp hạ tầng.

Khảo sát ngày 13/7 của VnExpress với câu hỏi “Bạn nghĩ sao khi Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026”, 58% nói không khả thi, 18% nói khả thi và 24% tin rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.





Đường phố Hà Nội tắc đường cuối tháng 5/2025. Ảnh: P.C

Đường phố Hà Nội tắc đường cuối tháng 5/2025. Ảnh: P.C

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nói ủng hộ quy định nhưng nhấn mạnh việc thực hiện phải có lộ trình phù hợp, không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Theo bà, Hà Nội có gần 7 triệu xe máy đăng ký, hầu hết là phương tiện mưu sinh của người lao động nên chuyển đổi thế nào là một bài toán lớn của cơ quan quản lý.

“Nếu không có phương án thay thế toàn diện và chính sách hỗ trợ thỏa đáng, cuộc sống của người dân sẽ đảo lộn”, bà An nói.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, cho biết ô nhiễm không khí là vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới. Các thành phố Hà Nội, TP HCM của Việt Nam cũng ghi nhận độ đậm đặc của khí bụi, oxit nitơ, oxit cacbon, bụi khói. Ngoài lượng phát thải từ các phương tiện giao thông, các nhà máy điện, than hay khu công nghiệp cũng là nguồn gây ô nhiễm trực tiếp ra môi trường cần được giám sát chặt chẽ.

Năm 2024, TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.

Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho thấy khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.

“Nhưng làm gì cũng cần phải có điều kiện cần và đủ để khi thực hiện, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân, không nhiêu khê, phức tạp hóa vấn đề thì sẽ được đại đa số ủng hộ”, ông Thủy nói.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng thay vì đặt mốc thời gian cứng, cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp đồng bộ từ hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, nâng cấp hạ tầng giao thông xanh, giải quyết bài toán thiếu trạm sạc, đến việc đảm bảo phương tiện công cộng phải đúng giờ, đúng tuyến và thuận tiện.

Bốn năm nay, Gia Linh, 28 tuổi, chạy xe máy 80 km mỗi ngày từ Mê Linh lên phố Hàng Da, Hoàn Kiếm làm việc và về nhà để tiết kiệm khi giá nhà thuê tăng. Nữ nhân viên văn phòng từng đi xe buýt nhưng phải đổi hai chặng, lại thường xuyên trễ giờ vì tắc đường.

Với Linh, xe máy xăng là lựa chọn tối ưu vì trạm xăng có ở khắp nơi, xe dễ luồn lách và ít hỏng hóc vặt. Thông tin cấm xe máy khiến cô rối bời. Linh cho rằng xe điện chỉ phù hợp với người đi lại quãng đường ngắn, có thời gian sạc. Với người di chuyển hàng ngày nhiều như cô, ắc quy nhanh bị chai, sau hai năm lại tốn 2-3 triệu đồng tiền thay mới.

“Tôi ủng hộ việc giảm khí thải, nhưng tại sao lại thí điểm trên xe máy, phương tiện mưu sinh của số đông, thay vì ôtô cá nhân vốn phát thải lớn hơn và chiếm nhiều diện tích hơn”, Linh nói.

Dương Quỳnh





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *