Andy Jassy, CEO của Amazon, vừa khẳng định với các nhân viên rằng quy định “đến văn phòng 5 ngày mỗi tuần” không phải cớ để sa thải người lao động.
Tuy nhiên ông lại không phủ nhận đề xuất của một quản lý cấp cao rằng “những lao động không tuân thủ quy định đến văn phòng có thể bị cho nghỉ việc”.
Không chỉ ở Amazon, người lao động của rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang phải cảnh giác với tình trạng bị sa thải lén lút (stealth firing).
Bên cạnh các đợt sa thải hàng loạt, bộ phận nhân sự của nhiều công ty đang sa thải người lao động do vi phạm một số lỗi vụn vặt. Ví dụ gần đây là Meta, chủ sở hữu Facebook thông báo sa thải 20 nhân viên vì sử dụng tiền trợ cấp phiếu ăn để mua đồ dùng khác. Hay hãng dịch vụ kiểm toán quốc gia EY đã chấm dứt hợp đồng với một nhóm nhân viên vì “xem nhiều video cùng lúc trong Tuần lễ học tập EY Ignite” để nhanh đạt đủ chứng chỉ.
Trước đây, những hành vi trên được coi là sai phạm nhỏ, có thể bị khiển trách. Nhưng nay chúng trở thành vi phạm nghiêm trọng đến mức bị sa thải.
Leo Martin, giám đốc điều hành của công ty tư vấn đạo đức kinh doanh GoodCorporation, cho rằng các công ty áp dụng biện pháp cứng rắn với nhân viên nhằm răn đe người khác không mắc sai phạm. Mức độ kỷ luật này phổ biến hơn trong các ngành được quản lý chặt chẽ như ngân hàng và dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, lập trường cứng rắn cũng có thể xuất phát từ suy nghĩ rằng những vi phạm nhỏ có thể dự báo cho những sai phạm nghiêm trọng. Điều này dẫn đến cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với việc thực thi chính sách trong một số lĩnh vực. Đặc biệt là các công ty đang tìm cách duy trì những hoạt động được coi là văn hóa liêm chính.
Ví dụ như đầu năm nay, một số nhân viên bán lẻ Target của Mỹ bị sa thải vì lợi dụng công việc của mình để mua những chiếc cốc Stanley trước khách hàng. Hay công ty tài chính Fidelity Investments đã đuổi việc các nhân viên tham gia giải bóng bầu dục trực tuyến do vi phạm quy định không tham gia cá cược.
Gần đây nhiều nhân viên có xu hướng lên mạng xã hội để trút giận về việc lãnh đạo đối xử tệ bạc hoặc bị sa thải bừa bãi, khiến một số công ty phải điều chỉnh lại cách tiếp cận.
Các website như LinkedIn và trang đánh giá ẩn danh Glassdoor là nơi để nhân viên bày tỏ sự bất bình với cấp trên. Những lời phàn nàn được lan truyền chóng mặt và làm tổn hại đến danh tiếng của công ty.
Điển hình như câu chuyện của Brittany Pietsch, nhân viên công ty Cloudflare đã ghi lại cuộc họp trực tuyến dài 9 phút với quản lý nhân sự khi bị sa thải và đăng lên TikTok.
Video đã tạo ra trào lưu “Quit-Tok” – làn sóng nhân viên công khai chia sẻ những câu chuyện riêng tư ở văn phòng trước khi nghỉ việc.
Khi những khiếu nại của nhân viên về việc chấm dứt hợp đồng lao động không còn là vấn đề riêng trong nội bộ, nhiều công ty hướng đến mục tiêu giảm phản ứng dữ dội và hạn chế rủi ro danh tiếng bằng cách chú trọng vào việc đưa ra lý do sa thải chính đáng.
Habiba Khatoon, giám đốc tại headhunter Robert Walters, nói các công ty cần phải lưu tâm hơn khi sa thải nhân viên bởi mọi người dám lên tiếng nhiều hơn. “Chúng ta đang trong thời đại mà mọi quyết định vội vàng đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”, giám đốc nói.
Bà Khatoon cho biết ngày càng nhiều công ty đề cập về khái niệm “sa thải có đạo đức”. Điều này đề cập đến cách tiếp cận minh bạch, dựa trên quy tắc đối với việc sa thải, trong đó các nhà quản lý có thể chỉ ra những vi phạm cụ thể trong chính sách thay vì đánh giá mang tính chủ quan.
Minh Phương (Theo CNA)