Hơn 1 năm trở lại đây, ông Hùng (73 tuổi, phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội) phải ra tận cây xăng Láng Hạ để đổ xăng (cách nhà 4km), bởi cây xăng Hào Nam gần nhà ông đã đóng cửa, quây tôn.
“Cửa hàng xăng dầu này phải đóng cửa sau 8 năm kinh doanh, khiến những người dân như chúng tôi thấy rất bất tiện, bởi mỗi lần có nhu cầu đổ xăng phải ra tận Láng Hạ, cách nhà gần 2km”, ông Hùng nói.
Đây chỉ là một trong nhiều cơ sở kinh doanh phải rời thị trường xăng dầu – lĩnh vực vốn dĩ được coi là “béo bở” thời gian qua.
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thực tế thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhập về giá cao, nhưng phải bán giá thấp do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, chu kỳ điều chỉnh ngắn (7 ngày/lần).
Các doanh nghiệp muốn xin giảm tổng nguồn tối thiểu một phần do bài toán kinh tế tồn kho lớn, nếu không bán được phải giảm tồn kho.
“Chẳng hạn năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao cho các đầu mối khoảng 28,4 triệu m3/tấn nhưng nhu cầu thực tế chỉ có 25 triệu m3/tấn. Doanh nghiệp nhập về không bán được sẽ tồn kho lớn” – ông Bảo nói.
Dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước 4 tháng cuối năm 2024, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 4 tháng cuối năm theo đăng ký kế hoạch từng quý của thương nhân sẽ đạt khoảng 8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Bên cạnh đó, ước bình quân tiêu thụ 4 tháng cuối năm khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng và tồn kho khoảng 1,8-2 triệu tấn.
Như vậy, nếu không có các yếu tố đột biến ảnh hưởng, nguồn cung xăng dầu năm 2024 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Dù vậy, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước vẫn lưu ý một số giải pháp trong những tháng cuối năm 2024 để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Đối với các thương nhân đầu mối xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp;
Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dữ trữ xăng dầu theo quy định.
Đặc biệt, các thương nhân tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên. Cần rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định và tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.