Não bộ ảnh hưởng thế nào khi bạn kiệt sức?
Ngày nay, hiện tượng kiệt sức đã trở thành một thực tế quá quen thuộc đối với nhiều cá nhân, đặc biệt là trong môi trường làm việc căng thẳng, khắc nghiệt.
Bà Neha Cadabam, nhà tâm lý học cấp cao, Giám đốc Bệnh viện Cadabams & Mindtalk (Ấn Độ) cho biết, trong não, các hormone gây căng thẳng cao như cortisol có thể làm co hồi hải mã, đây một vùng quan trọng cho trí nhớ và khả năng học tập.
“Điều này có thể khiến bạn khó tập trung, ghi nhớ mọi thứ và đưa ra quyết định hơn”, bà Neha Cadabam lưu ý.
Một khu vực khác bị ảnh hưởng bởi tình trạng kiệt sức là vỏ não trước trán (PFC). Nó xử lý việc lập kế hoạch, tập trung và quản lý cảm xúc.
Tình trạng kiệt sức làm suy yếu mối liên hệ giữa PFC và hạch hạnh nhân – một cụm tế bào hình quả hạnh nằm ở gần đáy não, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và điều chỉnh cảm xúc của chúng ta.
Điều này có thể khiến bạn liên tục cảm thấy khó chịu với những cảm xúc tiêu cực như thất vọng và cáu kỉnh và căng thẳng mạn tính…
“Căng thẳng mạn tính và kiệt sức giống như một cú đấm kép vào khả năng nhận thức và sức khỏe cảm xúc của bạn”, bà Neha Cadabam khẳng định.
Bà Neha Cadabam cũng cho biết thêm rằng, kiệt sức cũng có thể làm giảm động lực và niềm vui sống của bạn. Điều này là do căng thẳng mạn tính và làm giảm sản xuất dopamine, một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu được giải phóng khi bạn đạt được điều gì đó hoặc trải nghiệm điều gì đó thú vị.
Những cách giúp não phục hồi sau khi kiệt sức
Bà Cadabam đưa ra lời khuyên rằng, các kỹ thuật như thiền chánh niệm, tập thể dục và dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên đều đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm hormone gây căng thẳng.
Ngoài ra, các hoạt động thử thách não bộ theo hướng tích cực, bao gồm học một kỹ năng mới hoặc chơi một trò chơi, có thể giúp tăng cường các kết nối thần kinh.
Cuối cùng, đừng đánh giá thấp sức mạnh của giấc ngủ. Khi bạn ngủ, não của bạn sẽ củng cố trí nhớ, xử lý cảm xúc và nạp lại năng lượng cho ngày hôm sau.