Đứng trước sự thay đổi về thói quen và phương thức xem phim của khán giả, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong nước và nước ngoài đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như: VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV… đặc biệt, năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam tạo ra bước thay đổi đáng kể trong hoạt động phổ biến phim trên mạng.
Theo báo cáo của Bộ TTTT, đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số hơn 300.000. Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, tương đương doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng).
Đặc điểm chung của các dịch vụ cung cấp phim trên không gian mạng là có thể thực hiện xuyên biên giới, nguồn phim đa dạng, phong phú với mức chi phí hợp lý (thu tiền qua tài khoản ngân hàng), tiện ích xem phim không giới hạn về thời gian và địa điểm.
Theo bà Ngô Thị Minh Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, sự phát triển quá nhanh, mạnh của phim trên không gian mạng đã vượt quá kiểm soát. Một số phim đã cài cắm tinh vi đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biển đảo… Do đó, cần những quy định cụ thể trong Luật để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của phim trên không gian mạng, và ứng dụng phần mềm kỹ thuật mới với từ khóa để ngăn chặn những phim vi phạm.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi cộng động mạng tẩy chay những phim vi phạm, những diễn viên tham gia đóng phim vi phạm.
Ông Bùi Huy Cường – Phó trưởng phòng Quản lý dịch vụ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TTTT cho rằng, phải chia sẻ thông tin các các doanh nghiệp có đủ điều kiện phân loại phim. Và yêu cầu Youtube phải chỉ ra doanh nghiệp nào đã đăng ký với Cục Điện ảnh và được cấp phép thì mới được phổ biến phim, còn nếu không có phép thì phải dừng hoạt động. Đối với các phim đã phân loại phải có hệ thống giám sát độ tuổi.
Ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Thủ đô nêu ra biện pháp công nghệ sử dụng AI rà soát hình ảnh, âm thanh để phát hiện những vi phạm từ nội dung đến hình ảnh, liên quan đến chủ quyền, biển đảo cũng như đảm bản vấn đề bản quyền khi đưa nội dung được phát trên mạng bằng việc ghi danh đánh số bản quyền.
Theo ông Đỗ Duy Anh – Nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nội dung xấu, độc chỉ là quản lý phần ngọn. Cần giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em như giáo dục về vấn đề bản quyền ở nhiều nước, coi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như hành vi ăn cắp để không phạm phải.
Việc phổ biến phân loại phim cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức để họ tự lập hội đồng phân loại sẽ nảy sinh nhiều khó khăn. Nếu hội đồng phân loại thiếu những nhà chuyên gia điện ảnh, hay có nhưng chỉ làm đóng vai trò cho đủ thành phần, khi quyết định cuối cùng thuộc về nhà quản lý sẽ dễ sa vào tình trạng duy ý chí.
Ngay cả hội đồng phân loại dù đủ các thành phần và tôn trọng ý kiến chuyên môn thì không phải ai cũng nắm đúng và nắm đủ các văn bản dưới Luật là các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thực hiện cụ thể để có thể phân loại chính xác độ tuổi, nhất là ranh giới 13+, 16+ hay 16+ và 18+.
Ở đây yếu tố con người (thẩm định phim) đóng vai trò rất quan trọng, bởi lẽ có những bộ phim chỉ bằng cảm nhận trực tiếp trên cơ sở một phông (nền tảng) văn hóa vững vàng, đặc biệt là kiến văn về điện ảnh phong phú và đa dạng, mới có thể phân biệt đâu là những hành động bạo lực có thể gây kích động người xem, thậm chí dẫn dụ giới trẻ bắt chước hay đâu là sự lên án, cảnh báo đích đáng cái ác rồi sẽ phải bị trừng phạt.
Việc chưa nắm rõ Luật Điện ảnh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đưa đến tình trạng phạm Luật mà không biết. Đã có bộ phim đưa cảnh nhân vật sử dụng ma túy quá cụ thể, quá chi tiết, mang tính hướng dẫn sử dụng vì nhà làm phim nghĩ rằng làm phim về tội phạm phải chân thực, mà thực tế đó chính là vi phạm Luật Điện ảnh, phải cắt bỏ. Rõ ràng việc quản lý Nhà nước về phim trên không gian mạng gặp rất nhiều thách thức…