Lần thứ 29… đầy cảm xúc
Mỗi lần dự lễ trao Học bổng Tôn Đức Thắng (HBTĐT) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang tổ chức, tôi đều xúc động mạnh. Không chỉ được “mục sở thị” thành tựu tổ chức Công đoàn hỗ trợ thiết thực cho con đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ) trong học tập, mà còn được mắt thấy, tai nghe những câu chuyện cảm động về những tấm gương “vượt khó học giỏi”. Mỗi nhà mỗi cảnh nên mỗi cháu là tấm gương nghị lực rất riêng…
Và lần trao HBTĐT lần thứ 29 hơn cả thế khi tôi gặp lại cháu Lê Quang Duy (sinh năm 2013) – học sinh vượt nỗi đau bệnh tật hiểm nghèo để vươn lên trong học tập mà tôi có dịp biết từ năm 2022. Bất ngờ, xúc động và khâm phục khi biết Duy giữ vững thành tích học giỏi. Bởi đó không chỉ là sự vươn lên trong học tập, mà còn là cả hành trình vượt qua những đớn đau của chứng bệnh nan y đã đến giai đoạn hiểm nghèo.
Năm 2021, đang là học lớp 2 tại Trường Tiểu học Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn), Duy phát hiện ung thư thận. Do nguồn thu nhập công nhân Trại chăn nuôi thuộc Công ty Cổ phần AFIEX của ba và mẹ chỉ 9-10 triệu đồng/tháng, nên không đủ tiền cho Duy thực hiện phẫu thuật theo tư vấn của thầy thuốc. Sau đó, Duy được truyền hóa chất. Mỗi lần như thế, người mẹ của Duy phải nuốt nước mắt vào lòng…
Điển hình là lần hóa trị thứ 21, do sức khỏe chuyển biến phức tạp, Duy nằm viện hơn 10 ngày. Thường xuyên mê man, nhưng mỗi khi tỉnh lại là Duy đòi lấy tập ra học bài.
Bên cạnh những “chiến binh”, lần này có nhiều tân binh rất đáng khâm phục. Điển hình là cháu Nguyễn Lương Cát Tường. Cha là giáo viên Trường THCS Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn), mẹ mất sau thời gian điều trị ung thư đại tràng, nên dù mới 8 tuổi nhưng cô học trò lớp 3 này phải phụ cha chăm sóc em nhỏ 3 tuổi. Thiếu vắng tình thương, bận bịu với việc nhà… nhưng năm học 2023-2024, Cát Tường đạt thành tích học sinh xuất sắc…
Nhân niềm vui cho NLĐ
Phát biểu tại buổi lễ trao HBTĐT lần thứ 29, ông Lâm Thành Sĩ – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang – cho biết, lần này, An Giang trao 103 suất học bổng và 108 phần quà “Tiếp sức đến trường” cho con ĐV, NLĐ vượt khó học giỏi. Với định mức hỗ trợ từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/trường hợp (tùy cấp học), HBTĐT thực sự nhân niềm vui cho ĐV, NLĐ. Bên cạnh hỗ trợ tiền để giảm bớt khó khăn lo cho con học tập, Công đoàn còn lồng ghép truyền động lực.
“Để các cháu được đến trường là cả sự cố gắng, hy sinh rất lớn của ông bà, cha mẹ, gia đình… Vì vậy, các cháu hãy phấn đấu tiếp tục nỗ lực học tập thật tốt…”- ông Sĩ ân cần trò chuyện tại buổi lễ.
Ngoài ra, ông Sĩ còn kêu gọi các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện để tăng độ lan tỏa HBTĐT, giúp con ĐV, NLĐ có thêm điều kiện học tập tốt và nhất là không để cháu nào phải bỏ học và không thể đến trường chỉ vì khó khăn. Đây cũng là truyền thống và là thành tựu đáng tự hào của tổ chức Công đoàn An Giang.
Từ khi ra đời (1995) đến nay, HBTĐT không ngừng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ xét trao vài chục suất/năm, sau 29 lần tổ chức, đã trao hơn 2.000 suất với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng. Để có thể duy trì số suất học bổng ở mức cao với số lượng lớn, các cấp Công đoàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…
Bên cạnh việc phát huy nguồn quỹ sẵn có, hàng năm, từ LĐLĐ tỉnh cho đến Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở… thường xuyên kết nối, tiếp nhận các nguồn lực bên ngoài. Điển hình như LĐLĐ huyện Thoại Sơn. Trong số 15 suất HBTĐT lần thứ 29 của mình, LĐLĐ huyện đã vận động Ngân hàng TMCP BIDV 5 suất và kinh phí vận động cán bộ, công chức huyện Thoại Sơn tiết kiệm 1.500 đồng/ngày/người, hỗ trợ 10 suất. Ngoài ra, còn vận động Phòng Giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Thoại Sơn tặng thêm cho mỗi cháu 10 quyển tập…