Cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%
Trong nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng GDP 6,42%, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm ngoái. Kết quả khả quan này mở ra tín hiệu tích cực cho nửa còn lại của năm nay. Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm có nhiều gam màu sáng, nhưng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%-7% cả năm 2024, Chính phủ và các cơ quan liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm để hóa giải khó khăn, kích thích các động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Nhận định về điểm tựa tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – chỉ ra, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát; dư địa chính sách tài khóa tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện để chính sách tiền tệ đối phó với các cú sốc bên ngoài. Mặt khác, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Bộ KHĐT lạc quan khi dự kiến, Việt Nam thu hút FDI đạt khoảng 39-40 tỉ USD trong năm 2024.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) ủng hộ và đánh giá cao 11 giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trong đó đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn khi chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát; chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục trình Quốc hội miễn, giảm thuế, phí tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Ngoài ra là tiếp tục cơ cấu lại nợ, ổn định tỉ giá, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát.
Đại biểu cho rằng, để phục hồi nền kinh tế được tốt hơn, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để từ đó có nguồn vốn hỗ trợ việc làm cho người lao động, hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Điều này cũng sẽ góp phần vào giảm nghèo bền vững.
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn thu ngân sách vẫn tăng. Do đó, nợ công đã được kéo giảm xuống còn 37% GDP. Như vậy, chúng ta còn dư địa lớn để tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh cũng là nền tảng để tạo công ăn việc làm cho người dân.
Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, theo đại biểu, chúng ta cần xem xét chính sách xây nhà ở xã hội cho người lao động thuê. Theo đó, cần xem xét việc này là đầu tư công giống như chúng ta xây dựng các ký túc xá cho sinh viên đại học. Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) kiến nghị, Chính phủ xem xét tăng thêm nguồn vốn cho địa phương thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.