Hàng nghìn cá mập cái chen chúc ngủ dưới đáy biển

AustraliaCá mập Port Jackson tập trung ở eo biển Bass, có thể để ăn sò điệp trước khi thực hiện hành trình dài về phía bắc để đẻ trứng.

Hàng nghìn cá mập cái chen chúc ngủ dưới đáy biển

Cá mập Port Jackson chen nhau ngủ dưới đáy biển. Video: NESP-IMAS

Thiết bị vận hành từ xa (ROV) ghi hình hàng nghìn con cá mập Port Jackson (Heterodontus portusjacksoni) ngủ cùng nhau dưới đáy biển trong Công viên Biển Beagle ở eo biển Bass, Australia, IFL Science hôm 15/8 đưa tin. Chúng được phát hiện lần đầu tiên 6 năm trước và nhóm nghiên cứu đã quay lại để khảo sát xem những điều kiện trong vùng thay đổi như thế nào.

ROV được vận hành từ tàu nghiên cứu MRV Ngerin của Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Australia (SARDI). “Thật thú vị khi chúng tôi vượt qua một đoạn đá ngầm nhô cao và nhìn thấy những con cá mập đang ngủ ở độ sâu 65 m dưới con tàu, gần như ở đúng vị trí 6 năm trước”, trưởng nhóm thám hiểm, tiến sĩ Jacquomo Monk từ Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực của Đại học Tasmania (IMAS), cho biết.

“Cảnh tượng ngoạn mục được truyền phát cho chúng tôi qua một thiết bị vận hành từ xa với 7 camera do Boxfish Robotics hợp tác với IMAS chế tạo. Có hàng nghìn con cá mập nằm chen chúc như một tấm thảm trải rộng dưới đáy biển”, Monk nói thêm.

Cá mập Port Jackson là loài vật rất đặc trưng với chiếc đầu tù và những vết giống như bộ yên cương trên cơ thể. Chúng thường sống trong môi trường nhiều đá gần đáy biển ở miền nam Australia. Chúng ăn động vật thân mềm, giáp xác, nhím biển, các loài cá nhỏ, và thường kiếm ăn vào ban đêm, theo Bảo tàng Australia.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy toàn bộ số cá mập Port Jackson ngủ cùng nhau dưới đáy biển đều là con cái. Các nhà khoa học chưa rõ chính xác nguyên nhân, nhưng cá mập Port Jackson vốn được biết đến là chỉ tụ tập lúc giao phối, còn phần lớn thời gian trong năm, con đực và con cái sống tách biệt.

“Chúng tôi không rõ chính xác tại sao những con cái lại ở đây. Có lẽ chúng đang thưởng thức đặc sản địa phương – sò điệp doughboy – trước khi thực hiện hành trình dài về phía bắc để đẻ trứng”, Monk nói. Hành trình này có thể kéo dài 600 – 800 km, kết nối nơi giao phối với nơi đẻ trứng.

Việc cá mập Port Jackson vẫn ở đây 6 năm sau nghiên cứu đầu tiên cho thấy, môi trường sống này là một khu vực quan trọng với chúng. Công viên Biển Beagle đã bảo vệ nhiều môi trường sống đa dạng dưới đại dương như rạn san hô hay vườn bọt biển, đóng vai trò quan trọng với cá mập cũng như nhiều loài vật trên cạn và dưới nước khác.

Thu Thảo (Theo IFL Science)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *