Hai quy luật lý giải vì sao bạn vẫn nghèo

Tác giả sách “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki cho rằng gốc rễ của sự nghèo nằm ở chỗ nhiều người đã vi phạm hai quy luật then chốt về tiền bạc.

Theo Robert Kiyosaki, đây là hai quy luật không nên phá vỡ nếu bạn muốn giàu có.

Quy luật Gresham

Gresham’s Law là một nguyên lý kinh tế cho rằng “tiền xấu đẩy tiền tốt ra khỏi lưu thông”, hay như Kiyosaki diễn giải: “Khi tiền xấu xuất hiện trong hệ thống, tiền tốt sẽ rút lui và ẩn mình”.

Trong thị trường tiền tệ, điều này có nghĩa: loại tiền bị định giá cao hơn giá trị thực (tiền xấu) sẽ lưu hành rộng rãi, trong khi loại tiền có giá trị nội tại cao (tiền tốt) sẽ dần biến mất – do người ta giữ lại thay vì tiêu xài.

Theo cách hiểu của Kiyosaki, mọi người nên tập trung sở hữu các tài sản thực như kim loại quý và tiền mã hóa, thay vì chỉ giữ tiền mặt.

“Trong cuốn Cha giàu cha nghèo, tôi từng viết: ‘Người tiết kiệm là người thua cuộc'” ông viết trên mạng xã hội X. “Năm 2025, người nghèo đang làm việc và tiết kiệm những đồng tiền ‘giả’ chứ không phải tiền có giá trị như vàng hay Bitcoin”.

Quy luật Metcalfe

Quy luật Metcalfe nói: “Giá trị của một mạng lưới tăng theo bình phương số lượng người dùng. Càng nhiều người tham gia, mạng lưới càng mạnh, càng có giá trị”.

Robert Kiyosaki sử dụng nguyên lý này để lý giải sự khác biệt giữa tư duy kinh doanh quy mô và nhỏ lẻ. “McDonald’s là một mạng lưới nhượng quyền. Cửa hàng bánh burger của bố mẹ bạn thì không. Đó là lý do họ nghèo”, ông viết.

Dựa trên tư duy mạng lưới, Kiyosaki chọn đầu tư vào tiền mã hóa có hệ sinh thái mạnh. “Tôi đầu tư vào Bitcoin vì nó là một mạng lưới. Còn hầu hết các đồng tiền mã hóa khác thì không”, ông nói.

Kiyosaki tin rằng để trở nên giàu có, cần hiểu và tuân theo hai quy luật kinh tế cốt lõi. “Tôi không tiết kiệm đôla vì nó vi phạm Quy luật Gresham – khi tiền xấu đẩy tiền tốt ra khỏi lưu thông. Tôi cũng không đầu tư vào các đồng tiền không có mạng lưới, vì chúng đi ngược lại Quy luật Metcalfe”, ông nói. “Đó là lý do tôi tích trữ vàng và Bitcoin”.

Tuy nhiên, theo Kiyosaki, nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người mãi nghèo không phải vì thiếu cơ hội, mà vì họ “sợ phạm sai lầm” – FOMM (Fear of Making Mistakes). “Nỗi sợ này khiến nhiều người không dám hành động, dù trước mắt là cơ hội tạo dựng của cải lớn nhất trong lịch sử”, ông cảnh báo.

FOMM còn nguy hiểm hơn cả FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ). FOMO khiến người ta đổ xô mua khi giá tăng. Nhưng FOMM khiến họ chần chừ đến mức bỏ qua cả cơ hội.

Ông khuyên mọi người không nên nghe một chiều, mà cần tự trang bị kiến thức tài chính. Học hỏi cả từ người ủng hộ và phản đối tiền mã hóa. Giáo dục truyền thống không dạy trí tuệ tài chính. Trường học chỉ khuyến khích tránh rủi ro và sợ sai, trong khi người thành công là những người biết học từ sai lầm và hành động đúng lúc.

Bảo Nhiên (Theo Yahoo)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *