Mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 là giá trúng cao nhất trong phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, Hà Nội vào giữa tháng 8.2024. Đáng nói, khu đất trúng đấu giá cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km và hạ tầng nhiều năm qua chưa có sự thay đổi lớn.
Theo tìm hiểu của PV, đất ở trong các thôn xóm tại khu vực này hiện chỉ có dao động từ 30-40 triệu đồng/m2. Những vị trí mặt đường to đẹp và thuận tiện mới có giá 70-80 triệu đồng/m2. Rõ ràng đang có sự chênh lệch lớn với giá đất trúng đấu giá.
Diễn biến không gây nhiều bất ngờ là khi hết thời hạn nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất trên, mới chỉ có 13 lô nộp đủ tiền.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội), trong những lô đã nộp đủ tiền thì lô cao nhất có giá hơn 55 triệu đồng/m2. Còn lại 55 lô khác, bao gồm cả người trúng lô đất có giá trúng cao nhất gần 100,5 triệu đồng/m2, không nộp tiền. Như vậy, 55 lô đất không nộp đủ tiền được hiểu là đã bỏ cọc.
Một số chuyên gia cho rằng, tình trạng đẩy giá trúng cao tại các phiên đấu giá bất động sản từng tái diễn không ít lần. Nhiều nhóm đầu cơ tham gia trong các phiên đấu chủ yếu trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó thoát hàng ra để chốt lời. Nếu những lô đất không thể sang tay sớm thì việc bỏ cọc sẽ xảy ra.
Sau những dấu hiệu bất thường tại một số phiên đấu giá đất ở huyện Thanh Oai và Hoài Đức ở Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND TP Hà Nội rà soát, xem xét, đánh giá các cuộc đấu giá đó và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, việc trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm rồi bỏ cọc là một vấn đề cần xem xét lại toàn bộ quy trình.
Qua thực tế kiểm tra tại các địa phương, cơ quan sẽ đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh, bảo đảm sự minh bạch và ổn định của thị trường.
Đánh giá về tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thực tế đã nhiều lần xảy ra việc các lô đất trúng giá cao bất thường rồi nhanh chóng bỏ cọc.
“Nguyên nhân bởi người tham gia chủ yếu là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, tham gia rất nhiều phiên đấu giá khác nhau, còn lượng người địa phương chiếm rất ít” – luật sư An nhận định.
Luật sư An cũng cho rằng, hệ lụy từ việc bỏ cọc trúng đấu giá đất sẽ tác động lớn đến thị trường. Từ đó, xu hướng đầu cơ đất đai diễn ra, nhiều người ít hiểu biết hơn sẽ lao vào mua đất với hy vọng kiếm lời. Điều này gây ra rủi ro cho người mua và dòng tiền sẽ ứ đọng vào đất, tác động xấu tới nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, bất thường đấu giá đất vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc xác định giá khởi điểm và mức tiền đặt cọc.
“Tôi cho rằng cần có cơ chế, quy định để đơn vị tổ chức đấu giá có thể quyết định tăng tỉ lệ đặt cọc từ 20% lên 50% tùy tình hình. Việc này sẽ giải quyết vướng mắc việc xác định giá khởi điểm trong bối cảnh Luật Đất đai cũ và mới đang giao thoa” – ông Hiệp chia sẻ.