Ngày 8.8, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an đã có những lý giải liên quan đến vấn đề đang rất được dư luận quan tâm cũng như có ý kiến trái chiều là đề xuất giảm mức phạt với người vi phạm nồng độ cồn dưới mức 0,25 miligam/lít khí thở, được nêu trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo đại diện Bộ Công an, khi soạn thảo dự thảo Nghị định, quá trình nghiên cứu đã tiếp thu những ý kiến tham gia đóng góp của các bộ, ngành về việc “giảm mức phạt với trường hợp vi phạm trên”. Đồng thời, Bộ đã tham khảo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu thì trong vòng một tiếng đồng hồ, đo được nồng độ cồn dưới ngưỡng 0,25 miligam/lít khí thở.
Mặc dù vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc nếu đề xuất này được thông qua, sẽ tác động tiêu cực đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, bởi mức phạt nồng độ cồn hiện tại được cho là có tính răn đe cao. Việc giảm mức phạt có thể làm giảm tính răn đe, khiến người dân lơ là hơn trong việc tuân thủ các quy định về nồng độ cồn khi lái xe.
Tuy vậy, lý giải của Bộ Công an cho thấy đây là một đề xuất đã được cân nhắc rất kỹ, có sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến đa chiều.
Đề xuất này đang được số đông người dân ủng hộ bởi nhiều lý do. Trước hết, quy định mức phạt cao với nhóm này gây ra phản ứng trong xã hội. Nếu giảm mức phạt xuống còn 800.000 – 1 triệu đồng sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người vi phạm, tạo điều kiện cho họ dễ dàng chấp nhận và nộp phạt.
Đồng thời, việc này cũng giúp giải quyết một bài toán khá nan giải: Khi mức xử phạt quá cao, đặc biệt đối với những trường hợp đi xe cũ, có giá trị thấp, người ta có thể sẵn sàng bỏ lại phương tiện. Điều này dẫn đến lãng phí xã hội rất lớn.
Trao đổi với Báo Lao Động liên quan đến đề xuất này, TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia – nhận xét rằng đây là lần đầu tiên trong “lịch sử” biên soạn nghị định liên quan đến xử phạt, có đề xuất giảm mức phạt tiền, và điều này thể hiện tính nhân văn rất cao.
Đây có thể xem là một bước ngoặt trong công tác quản lý an toàn giao thông mà Bộ Công an đề ra.
Hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều đề xuất tương tự, có tính “lịch sử”, nhân văn, hợp lý và mang tính bước ngoặt như thế này trong nhiều lĩnh vực khác, nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho người dân!