Trước hết, dù Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân – những người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo – lại vẫn có thu nhập thấp. Điều này cho thấy cây lúa chưa thực sự mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất.
Chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã thừa nhận rằng, “nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, và người trồng lúa là nhóm người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp”.
Ngoài ra, dù Việt Nam đạt được kỷ lục về xuất khẩu gạo nhưng nhiều doanh nghiệp lại than phiền càng xuất khẩu càng thua lỗ do bán nhầm phân khúc, ngân hàng giải ngân vốn chậm, do thương lái và “cò lúa” làm loạn giá thị trường…
Những nghịch lý này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng phần lớn là do sự thiếu phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc điều hành chính sách.
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhiều lần họp bàn và đề xuất nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp đáng chú ý là đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia, được đưa ra bởi Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT.
Việc thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia là cần thiết và kịp thời, có tính đột phá, hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại gạo, đặc biệt là những biến động bất ngờ từ các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để khắc phục những hạn chế và bất cập trong điều hành ngành lúa gạo, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là Hội đồng Lúa gạo Quốc gia sẽ vận hành như thế nào để tránh trùng lặp và giẫm chân lên các tổ chức hiện có, như Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Lúa gạo hiện đang hoạt động theo chuỗi, nhưng sự phối hợp giữa sản xuất, chế biến và thương mại, xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều trắc trở. Hy vọng rằng với sự ra đời của Hội đồng Lúa gạo Quốc gia, sẽ có cơ chế để hai Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT phối hợp tốt hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo.
Đồng thời, cần lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia để đảm bảo mọi quyết sách đều được thực hiện một cách hiệu quả.
Với cam kết mạnh mẽ và hành động quyết liệt, hy vọng hội đồng này sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu, không chỉ để giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn để định hình tương lai của ngành lúa gạo nước nhà!