Vạch rõ lộ trình phát triển
Anh Nguyễn Trung Kiên – một công chức làm việc tại UBND phường trên địa bàn TP Hà Nội – cho biết, nhiều cán bộ công chức, viên chức, người lao động rơi vào trạng thái không chắc chắn trong 5 năm nữa, họ có còn làm việc tại cơ quan hiện tại hay không. Tuy nhiên, hầu hết ai cũng mong muốn có lộ trình phát triển sự nghiệp, để yên tâm, tin tưởng, cống hiến cho tổ chức.
Theo anh Kiên, cơ quan, đơn vị cần hoạch định và thể hiện rõ lộ trình phát triển cho từng vị trí để mỗi nhân sự đều nhìn thấy được khả năng phát triển sự nghiệp của bản thân. Hầu hết, cán bộ, nhân viên luôn mong muốn cơ quan là nơi để được học hỏi, cho cán bộ cơ hội hoàn thiện bản thân.
“Nếu cơ quan cho thấy khả năng phát triển nghề nghiệp và không gian để họ học hỏi, cải thiện năng lực thì không có lý do gì để họ từ chối lựa chọn gắn bó lâu dài. Ngoài tiền lương, một động lực rất lớn để mỗi người làm việc hết mình là khi tìm thấy giá trị và ý nghĩa của bản thân trong công việc mình làm” – anh Kiên tâm sự.
Nam công chức cũng cho rằng, nâng cao chất lượng nhân sự không chỉ đem tới lợi ích về mặt năng suất lao động cho cơ quan mà còn tạo lòng tin và trách nhiệm cho người lao động.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có đề cập nhiều nội dung đáng chú ý. Việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong các chính sách lớn trong Luật Thủ đô. Đây sẽ là căn cứ để Hà Nội tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Tới đây, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều điểm mới trong cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài.
Vừa thu thút, vừa giữ chân
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đánh giá: Một trong những nguyên lý để phát triển bền vững là phải có nguồn lực bao gồm tài chính và nhân lực. Nhân lực phải là người hiền tài.
Theo bà An, đây là vấn đề không chỉ Hà Nội đặt ra nhiều năm nay mà cả nước cũng đã đặt ra song chưa đạt được như mong muốn. Vì thế Luật Thủ đô thay đổi tư duy về tuyển chọn, đãi ngộ, quản lý. Người tài phải có chế độ đãi ngộ (vật chất và tinh thần). Họ cần được quản lý đặc biệt, tạo môi trường để thực hiện đam mê, hoài bão trong môi trường kỷ cương, thoải mái và được tôn trọng. Từ đó, họ mới phát huy khả năng và “giữ chân” được họ. Bởi, nếu “thu hút” mà không “giữ chân” được thì thất bại. “Khi có người tài làm việc, cống hiến, giúp tăng năng suất mới thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội” – bà An cho hay.
Bà An cũng bày tỏ hy vọng rằng, tới đây chất lượng nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt là những người tài, những người giỏi, những người có trình độ cao sẽ về với Thủ đô, sẽ ở lại và xây dựng Thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đại học lớn hàng đầu. Số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Luật Thủ đô được thông qua với những cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng nhân tài, là cơ hội lớn để các trí thức, nhà khoa học tham gia, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.