
Giá xăng dầu thế giới trong phiên giao dịch hôm nay 2.9 đồng loạt lao dốc. Dầu thô WTI giảm xuống còn 72,98 USD/thùng, giảm 0,57 USD/thùng, tương ứng giảm 0,77%. Dầu thô WTI đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 73,55 USD/thùng, mở cửa phiên hôm nay với giá 73,33 USD/thùng.
Dầu Brent ở mức 76,33 USD/thùng, giảm 0,60 USD/thùng, tương ứng giảm 0,78%. Dầu Brent đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 76,93 USD/thùng và mở cửa phiên hôm nay với mức 76,94 USD/thùng.
Như vậy, sau 2 tuần liên tiếp giảm mạnh, giá dầu thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục lao dốc.
Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ tăng sản lượng dầu từ tháng 10, mặc cho nhu cầu dầu trên thế giới đang chậm lại. Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu giảm có thể tác động đến kế hoạch của tổ chức này.
Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới.
Theo diễn biến thị trường hiện nay, dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới (thứ 5, ngày 5.9), giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục giảm, trong đó, xăng E5 RON 92 dự báo có thể giảm 100 đồng/lít; xăng RON 95 dự báo giảm 150 đồng/lít; dầu diesel dự báo giảm 200 đồng/lít.
Theo thương nhân phân phối xăng dầu, giá dự báo nêu trên chưa tính đến việc cơ quan điều hành trích lập hoặc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu cơ quan điều hành trích lập, giá xăng dầu có thể giữ nguyên so với kỳ điều chỉnh trước, nếu chi sử dụng, giá xăng có thể giảm mạnh hơn.
Tuy nhiên, tính từ kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29.8 là kỳ thứ 44, kể tháng 10.2023, nhà điều hành không sử dụng tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tính tới cuối 2023, quỹ này dư hơn 6.655 tỉ đồng, theo số liệu của Bộ Tài chính.
Trong nước, ngày 31.8, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến như sau: xăng E5 RON 92 không quá 20.332 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 21.109 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.477 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.065 đồng/lít và dầu mazut (bán buôn) không quá 15.562 đồng/kg.