Nhìn từ thế giới
Trong các phim hành động Hollywood, khán giả rất dễ dành cảm tình cho một nhân vật anh hùng vượt bao chông gai trừ gian diệt bạo. Đề cao các anh hùng là một nét đặc trưng của văn hóa Mỹ.
Còn rất nhiều ví dụ về sản phẩm công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh mềm quốc gia như ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, ẩm thực Nhật Bản, du lịch Thái Lan… Cũng theo Báo cáo Soft Power 30, các cường quốc kinh tế hàng đầu như: Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hà Lan, Australia… cũng chính là những quốc gia đi đầu thế giới về sức mạnh mềm văn hóa.
Điểm chung của họ là đều có sức mạnh tài chính dồi dào, có sự đầu tư và hợp tác hiệu quả giữa 2 khu vực công – tư để chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ đó đạt được sức mạnh mềm văn hóa.
Việt Nam là quốc gia giàu có về văn hóa
“Với hàng nghìn năm lịch sử và giá trị văn hóa được bồi đắp kết tinh qua thời gian, Việt Nam được xem là quốc gia giàu có về mặt văn hóa”.
Đó là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – tại phiên thảo luận “Vai trò của văn hóa đối với Việt Nam trong định hướng phát triển 2045” trong khuôn khổ “Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt” do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức.
“Xét trên 8 trụ cột tài nguyên văn hóa bao gồm: Danh nhân và giá trị văn hóa; Các tổ chức văn hóa cộng đồng; Các cơ sở không gian văn hóa; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản văn hóa vật thể; Di sản thiên nhiên; Lễ hội và sự kiện; Nhân lực và sản phẩm văn hóa, Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào” – bà Phương nói.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), tính đến tháng 8.2024 trên cả nước có 485 di sản văn hóa phi vật thể, 237 bảo vật quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 3 di sản kép: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cùng hàng trăm di tích quốc gia khác.
“Với ngần ấy tiềm năng, lẽ ra ở thời điểm này chúng ta đã phải là một cường quốc về sức mạnh mềm, hoặc thậm chí là một ngôi sao đang lên trong bảng tổng sắp sức mạnh mềm văn hóa. Nhưng thực tế, chúng ta đã được các tổ chức quốc tế khảo sát và xếp hạng nhưng vẫn chưa vào được bảng xếp hạng này. Rõ ràng hạn chế của chúng ta là chuyển hóa nguồn tài nguyên di sản văn hóa thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế” – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phân tích.
Kể một câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức “Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt”, trong thế kỷ XX, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, điều khiến thế giới ngưỡng mộ người Việt là tinh thần đấu tranh bất khuất qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại và những danh nhân văn hóa.
“Sang đến thế kỷ XXI, đã đến lúc chúng ta xây dựng và cùng nhau kiến tạo một thương hiệu Việt Nam mới trong mắt bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà của bất kỳ cá nhân, tổ chức, cộng đồng nào. Thương hiệu Việt Nam không phải cái có sẵn, mà phải kiến tạo nên” – bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.
Định danh thương hiệu Việt, kiến tạo nên những giá trị để 2 chữ “Việt Nam” được yêu thích trên toàn thế giới là mục tiêu, nhiệm vụ mà những người tổ chức “Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt” đặt ra khi tổ chức sự kiện này.
“Bàn về thương hiệu đất nước và căn tính người Việt, chúng tôi xin đề xuất một cụm từ (có thể gọi là một cách kể chuyện về con người, đất nước và dân tộc Việt Nam xuyên thời gian và không gian): Thiên hướng kiến tạo hòa bình và ý chí vươn lên” – bà Tôn Nữ Thị Ninh nói. Những giá trị văn hóa này hoàn toàn đủ sức hấp dẫn để trở thành yếu tố tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế.