Kết nối cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án tuyến đường kết nối vào cảng Phước An được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, kết nối khu vực với TPHCM, miền Đông Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác được thuận lợi.
Bên cạnh đó, cùng với đường 319, tuyến đường kết nối vào cảng Phước An là tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa 2 đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành, đảm bảo vai trò vận tải hàng hóa theo đường bộ vào cảng Phước An, khu dịch vụ hậu cần với hệ thống giao thông khu vực.
Hiện nay, tuyến đường kết nối cảng Phước An đang được thi công chia làm 2 đoạn.
Đoạn 1, dài hơn 5 km (từ nút giao với tuyến đường 319 đến nút giao với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành) được đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư khoảng 345 tỉ đồng.
Đoạn 2 (từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đến cảng Phước An) dài gần 6 km, được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, khởi công vào năm 2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Dự kiến thông xe đường kết nối cảng Phước An năm 2025
Đối với đoạn 1, từ nút giao với tuyến đường 319 đến nút giao với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với quy mô mặt đường rộng 12 m, nền đường rộng 10,5 m và lề đường mỗi bên rộng 0,75 m. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thi công mở rộng quy mô tuyến đường sẽ có lộ giới 61 m, gồm phần mặt đường rộng 30 m, dải phân cách giữa rộng 3m và vỉa hè mỗi bên rộng 14 m.
Trong khi đó, đoạn 2, từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đến cảng Phước An đang được nhà thầu thảm nhựa, triển khai lắp đặt thiết bị chiếu sáng, hệ thống cảnh báo an toàn giao thông và lắp đặt trạm thu phí, dự kiến thông xe vào năm 2025.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, tuyến đường này sẽ thông qua đường 319 để hình thành trục giao thông kết nối với 2 tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, hàng hóa của các Khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch vào cảng Phước An, thúc đẩy kinh tế huyện Nhơn Trạch tăng trưởng đột phá.
Ông Nguyễn Thế Phong – quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, để nắm bắt cơ hội phát triển khi cảng Phước An giai đoạn 1 đi vào hoạt động, huyện Nhơn Trạch đã tập trung, ưu tiên đầu tư cho các tuyến giao thông kết nối với cảng Phước An.
Đại diện Công ty Cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (PAP) cho biết, dự kiến cảng Phước An sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong tháng 9.2024.
Theo quy hoạch, cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần. Trong đó, phân khu cảng có tổng diện tích 183 ha, tổng chiều dài bến 3.050m, gồm 6 bến container, 4 bến tổng hợp có khả năng đón tàu có tải trọng 60.000 DWT. Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai nằm trong nhóm cảng biển số 5 – hệ thống cảng biển khu vực TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 8.2005 và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.