Học sinh hào hứng với cách làm mới
Năm học 2024 – 2025 được coi là năm học “về đích”, đánh dấu hoàn thành chặng đường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở tất cả các cấp học. Chương trình được kỳ vọng sẽ phát huy năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh. Trong đó, việc đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 26 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020 – 2021. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng các hình thức khác nhau, có nhiều cơ hội thể hiện bản thân.
Em Trần Thanh Tâm – học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Nghệ An) – cho biết, em cảm thấy rất thích thú với những cách đánh giá, kiểm tra mới.
“Trong các tiết học, chúng em được tham gia những trò chơi nhỏ, xen kẽ vào bài giảng để lấy dấu cộng điểm. Ngoài ra, thầy cô sẽ giao nội dung cho từng nhóm làm bài thuyết trình, tranh vẽ hoặc poster; qua đó lấy điểm thay cho bài kiểm tra một tiết. Em có thế mạnh về thuyết trình nên rất thích cách kiểm tra kiểu như thế này” – Thanh Tâm cho biết.
Tương tự, bạn Nguyễn Hải Đăng – học sinh lớp 11, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) – cho rằng, các môn học đã trở nên dễ tiếp thu hơn thông qua việc đổi mới hình thức dạy học và kiểm tra. Cũng từ các hoạt động này, em đã học được nhiều kỹ năng khác nhau.
Phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh
Tư duy và phương pháp dạy học đã có sự thay đổi, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đây là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã thể chế hóa cụ thể nghị quyết bằng cách xây dựng các quy định pháp luật trong lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Giáo dục đại học. Chúng ta cũng đã triển khai Chương trình GDPT 2018, tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa. Đây là những bước đi cực kỳ quan trọng” – bà Nga cho biết.
Chia sẻ về vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, bà Nga cho rằng, từ năm học 2024 – 2025, tất cả các cấp, các khối lớp đều cùng thực hiện chương trình GDPT mới. Vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá tất cả các khối lớp phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Ví dụ môn Ngữ văn, trong bối cảnh cùng một chương trình GDPT 2018 nhưng các trường sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau thì kiểm tra đánh giá định kỳ, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp… sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng đối với tất cả các thí sinh. Đặc biệt, tránh hiện tượng dạy và học Ngữ văn kiểu đọc chép, học tủ, học theo văn mẫu. Thay vào đó, học sinh chủ động, sáng tạo trong tiếp nhận kiến thức và nâng cao kỹ năng cảm thụ tác phẩm văn học.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS Thuận Bắc (Ninh Thuận) – cho biết, đổi mới đánh giá, kiểm tra giúp giáo viên nhìn nhận học sinh một cách toàn diện nhất, phát huy được thế mạnh của học sinh.
“Ví dụ môn Lịch sử, tôi sẽ giao cho học sinh vẽ một bức tranh thể hiện cuộc sống gia đình trong thời kỳ Văn Lang hoặc ở đầu tiết học về một triều đại phong kiến, tôi sẽ bật bài nhạc liên quan và yêu cầu các em đoán nội dung bài học. Từ những lần đánh giá này, tôi sẽ biết được học sinh có thế mạnh về quan sát, về hội họa hoặc khả năng thuyết trình trước đám đông, từ đó có định hướng để các em phát huy năng lực cá nhân” – cô Duyên chia sẻ.