Điều tất yếu không thể trì hoãn
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025). Hiện có nhiều điểm mới đáng chú ý và có ảnh hưởng lớn tới ngành đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng.
Tại tọa đàm “Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn”, GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội – từng nhấn mạnh về việc sắc thuế này cần phải được ban hành, điều tất yếu không thể trì hoãn. Khi đưa ra đại biểu Quốc hội cần phải có đủ cơ sở, căn cứ thuyết phục để chính sách được thông qua. Do vậy cần phải phân định các thị trường cũng như những tác động lên các đoạn thị trường đó như phương pháp hay lộ trình.
Theo quan sát về thuế tại nhiều quốc gia, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Chủ tịch PwC Việt Nam – cho rằng ảnh hưởng của bia và rượu đến sức khỏe khác nhau, không nên gộp chung. Bởi rượu có nồng độ cồn cao hơn, còn bia có nồng độ cồn chỉ khoảng 5%, có loại hơn chục độ. Hơn nữa, hành vi của người tiêu dùng với bia và rượu cũng rất khác nhau.
“Phần lớn các nước trên thế giới đánh thuế suất đồ uống theo nồng độ cồn khi nhận thấy rất rõ tác hại đến sức khỏe. Tức là bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ chịu thuế càng cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những sản phẩm bia có độ cồn thấp, ít tác hại đến sức khoẻ lại có giá cao nên đôi khi sẽ phải nộp tiền thuế nhiều hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn.
Hiện tại, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định sản phẩm bia theo các mức nồng độ cồn khác nhau (dưới 5,5 độ, từ 5,5 đến dưới 15 độ và trên 15 độ). Khi coi nồng độ cồn là nhân tố gây tác hại và chính sách thuế là một trong những công cụ hữu hiệu để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, điều hướng sử dụng những sản phẩm chất lượng cao, độ cồn thấp để tránh tác hại lên sức khoẻ, nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế tương đối dựa trên nồng độ cồn với mặt hàng bia, thay vì cào bằng một mức như trước (65%)” – bà Vân đề xuất.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) – khẳng định để một chính sách thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng đi vào cuộc sống, đạt được tác dụng, mục tiêu như kỳ vọng thì sự thống nhất, sự hài hòa của các bên liên quan, đặc biệt bao gồm cả người tiêu dùng và nhà sản xuất là vô cùng quan trọng. Bởi nếu không sẽ có thể xuất hiện những hành vi chuyển giá hoặc thay đổi giá đầu vào để trốn thuế và không tác động đến hành vi tiêu dùng.
Cần đánh giá tác động bằng những con số cụ thể, bằng chứng thuyết phục
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, việc sử dụng công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn là hướng đến thay đổi hành vi. Và thay đổi hành vi chỉ đơn thuần là do tác động của giá đối với thuế thì không có sự thay đổi nhiều vì là sản phẩm không co giãn. Nên song song với đó, cần có truyền thông, tuyên truyền. Làm như thế nào để mỗi khi thay đổi thuế này sẽ tác động đến truyền thông, đến nhận thức, đến người tiêu dùng.
Ông nêu rõ: “Cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng để có hành vi tiêu dùng tốt hơn, cho cả hành vi của nhà sản xuất sang chất lượng tốt hơn, khắt khe hơn, an toàn hơn. Công cụ thuế sẽ giúp cho nhà sản xuất phải lựa chọn sự thay đổi đó. Thuế tiêu thụ đặc biệt không phải mục tiêu chính là tăng thu ngân sách, nhưng thay đổi chính sách thuế không thể để giảm nguồn thu ngân sách đi. Những điều cần đánh giá tác động bằng những con số cụ thể, bằng chứng thuyết phục thì Quốc hội sẽ thông qua dễ dàng hơn”.