Nơi bồi đắp lý tưởng Hồ Chí Minh
Bắt đầu được làm điểm từ Trường Tiểu học Đoàn Khuê, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh do Liên đoàn Lao động quận Long Biên chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thực hiện, đến nay đã được triển khai tại nhiều công đoàn cơ sở, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Đây là mô hình đầu tiên trong số 93 trường công lập, hơn 30 trường tư thục trên địa bàn quận. Sau khi nhân rộng mô hình trong khối trường học, Liên đoàn Lao động quận sẽ tiếp tục ra mắt mô hình tại khối phường và khối doanh nghiệp (dự kiến vào dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2024).
Để có được nguồn tư liệu, thông tin đáng tin cậy, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Đoàn Khuê đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan, học tập và tham khảo từ nguồn tư liệu đến cách bố trí không gian sao cho hợp lý. Kết quả, từ khi ra đời, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh đã tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế cho đoàn viên công đoàn, học sinh nhà trường, cũng như những tấm gương người tốt, việc tốt được lan tỏa và nhân rộng.
Theo bà Trần Thị Phương Dung – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Khuê, Trường Tiểu học Đoàn Khuê sẽ vận dụng một cách hiệu quả sáng tạo, linh hoạt không gian này trong các hoạt động của chi bộ, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như tổ chức sinh hoạt chi bộ hằng tháng; sinh hoạt chuyên đề; tổ chức các lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên công đoàn, đội viên; tổ chức các buổi đối thoại, đàm thoại; các hoạt động giáo dục dành cho học sinh…
Bên ngoài Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của Trường Tiểu học Đoàn Khuê là Con đường Sen. Cuối Con đường Sen có bức tranh giai cấp công nhân Việt Nam dưới lá cờ Đảng và Bác soi đường, ra sức thi đua làm theo lời Bác với thông điệp “Công đoàn Việt Nam là ánh sáng, là niềm tin của người lao động”. Toàn bộ phần thiết kế, trang trí không gian “Con đường Sen” là do cô giáo Nguyễn Thị Thu An – giáo viên Mỹ thuật của nhà trường tự lên ý tưởng và trình bày trong 1 tuần.
Cô giáo Thu An chia sẻ rất vui vì được góp một phần nhỏ bé vào công trình chung của Nhà trường – một công trình được xây dựng bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng kính yêu Bác. Sự chia sẻ của cô giáo Thu An cho thấy tầm quan trọng khi bản thân đoàn viên, người lao động được tham gia vào công trình do công đoàn tổ chức. Bởi với họ, đoàn viên, người lao động không chỉ là người được thụ hưởng mà còn là người góp phần kiến tạo những giá trị đó.
Còn tại Trường Tiểu học Gia Thượng – đơn vị triển khai nhân rộng đầu tiên sau mô hình điểm – Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh được thiết kế thành nhiều khu vực. Trong đó khu vực chính dành tập trung giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Không gian còn trưng bày những hình ảnh của Bác Hồ với tổ chức Công đoàn, Bác Hồ với ngành giáo dục và đào tạo. Tại đây còn có có một kệ sách gồm những cuốn sách của Bác và viết về Bác để cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh tìm đọc.
Nhà trường cũng trưng bày những bức tranh vẽ Bác Hồ với thiếu nhi – là tác phẩm của học sinh Trường Tiểu học Gia Thượng được lựa chọn để giới thiệu tại đây. Bà Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch Công đoàn Trường – cho biết: Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ được nhà trường sử dụng để làm nơi sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt Công đoàn, kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên mới, là nơi giáo dục truyền thống về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây sẽ là nơi để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường Tiểu học Gia Thượng được đọc, được học và được bồi đắp lý tưởng Hồ Chí Minh.
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh mà Liên đoàn Lao động quận Long Biên đang triển khai, nhân rộng được coi là mô hình dân vận sinh động để triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn quận. Mô hình cũng chứng minh sự đổi mới trong hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Không gian trải nghiệm mới cho đoàn viên, người lao động
Bên cạnh Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội, các cấp Công đoàn còn tổ chức triển khai Điểm sinh hoạt tại Công đoàn cơ sở. Điểm sinh hoạt văn hóa có nhiều tên gọi khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là tạo không gian trải nghiệm mới cho đoàn viên, người lao động và những không gian này được xây dựng trên cơ sở nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Tại Liên đoàn Lao động quận Đống Đa, một Không gian văn hóa Công đoàn được tổ chức tại Công ty Cổ phần In khoa học kỹ thuật. Để đáp ứng mong muốn có nơi nghỉ ngơi, thư giãn, sinh hoạt của đoàn viên, người lao động công ty, Liên đoàn Lao động quận phối hợp công đoàn công ty sửa chữa 1 phòng nhỏ với diện tích 9m2 để làm điểm Không gian văn hóa công đoàn.
Không gian văn hóa công đoàn được đầu tư Tủ sách pháp luật, tủ đựng tài liệu, quạt cây, cây nước nóng lạnh, bộ cốc uống nước, điều hòa, bàn, ghế… Đây là nơi tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe cho đoàn viên, người lao động, đồng thời là nơi tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa, kiến thức xã hội; tạo môi trường giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong người lao động.
Công ty TNHH Xây Dựng ZYF Việt Nam – công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài – là đơn vị tư nhân đầu tiên thành lập Điểm sinh hoạt Công đoàn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng dân dụng và công nghiệp toàn quá trình, hiện có 55 đoàn viên.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xây Dựng ZYF Việt Nam, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của công đoàn cấp trên, ban lãnh đạo công ty đã hết sức ủng hộ việc xây dựng điểm sinh hoạt công đoàn. Công ty nhận định đây sẽ là cầu nối để gắn kết người lao động, góp phần xây dựng nội bộ doanh nghiệp vững mạnh.
Quá trình xây dựng điểm sinh hoạt công đoàn, đoàn viên, người lao động công ty đã cùng nhau lên ý tưởng về việc bố trí, trang trí, hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm sinh hoạt, gồm hệ thống tủ, kệ trưng bày, ấn phẩm báo chí, sách tham khảo, khu vực pantry (có thể hiểu là khu bếp nhỏ) với máy pha cafe, lò vi sóng, máy ép hoa quả… Dù trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai điểm sinh hoạt văn hóa công đoàn nhưng không ít đoàn viên, người lao động đã rất bất ngờ khi điểm sinh hoạt văn hóa công đoàn đi vào hoạt động, mang lại nhiều niềm vui cho họ.
Các công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy cũng đã triển khai xây dựng và góc thư giãn công đoàn để đoàn viên, người lao động có không gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Mới đi vào hoạt động nhưng các góc thư giãn công đoàn này đã tạo hứng khởi cho đoàn viên, người lao động sau những giờ lao động mệt mỏi. Một trong số đó là góc thư giãn công đoàn của Trường Tiểu học Nghĩa Đô. Đây trở thành nơi cán bộ, giáo viên nhà trường có không gian yên tĩnh, thoáng mát để nghỉ ngơi, thư giãn.
Góc thư giãn công đoàn là không gian mở, được thiết kế đẹp và trang bị tiện nghi như bàn ghế, kệ sách, cây, hoa, cùng với bánh kẹo, trà, cà phê…Đây không chỉ là nơi cán bộ, giáo viên nghỉ ngơi sau mỗi giờ đứng lớp mà còn là nơi để chia sẻ về cuộc sống và công việc. Nhiều cán bộ, giáo viên cho biết mô hình ra đời đã cải thiện môi trường làm việc, tạo sự thoải mái và tinh thần hứng khởi cho cán bộ, đoàn viên công đoàn.
Trên địa bàn Hà Nội, Liên đoàn Lao động quận Long Biên có mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy xây dựng mô hình Góc thư giãn Công đoàn với 186 Công đoàn cơ sở hưởng ứng, xây dựng mô hình. Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình Điểm sinh hoạt công nhân với 5 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình. Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng triển khai mô hình Không gian xanh, Góc thư giãn Công đoàn và hiện đã có 58 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình…