
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công trên địa bàn đều vướng bô xít nên giải ngân đầu tư công gặp khó…
“Nếu việc khai thác bô xít theo tiến độ hiện nay thì 400 năm sau mới khai thác hết. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sắp tới, Quốc hội sửa Luật Khoáng sản sẽ lồng ghép đặc thù của Đắk Nông. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp Đắk Nông có dư địa sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội” – ông Mười cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông thì bô xít Đắk Nông đang chiếm tới 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Trữ lượng bô xít ước khoảng 1,4 tỉ tấn quặng tinh, tương đương khoảng 3,4 tỉ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt từ 35 – 40%.
Địa phương sở hữu trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước, được kỳ vọng đưa tỉnh này trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của quốc gia.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại việc quy hoạch, khai thác bô xít đang gây ra cho tỉnh rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Bởi quy hoạch bô xít đang bao trùm trên địa bàn của 5/8 địa bàn các huyện, thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, trong Luật Khoáng sản không phân nhóm khoáng sản. Điều này đồng nghĩa với việc bô xít cũng giống như vàng, kim cương.
Do đó, tất cả các công trình, muốn tác động vào khu vực có khoáng sản thì phải khai thác hết. Trong khi đó, bô xít là khoáng sản đặc thù, trải dài trên khắp 6 huyện thành phố của tỉnh; còn vàng, kim cương lại tập trung.
Chưa hết, từ quặng nguyên khai (bô xít) muốn tách ra alumin (nguyên liệu chính để luyện nhôm) thì phải trải qua nhiều quá trình, công đoạn. Do đó, nếu không có cách khai thác phù hợp cho loại khoáng sản đặc thù này, nếu không, sẽ không có hiệu quả.
Tỉnh Đắk Nông đã báo cáo các cơ quan Trung ương, nhiều đoàn cũng về địa phương ghi nhận thực tế. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã báo cáo trực tiếp lên các Phó Thủ tướng Chính phủ, thậm chí đã làm việc với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường – Quốc hội để báo cáo tình hình.
“Hiện Trung ương đã thấy được cái khó, vướng mắc của Đắk Nông. Sắp tới, Quốc hội sửa đổi Luật Khoáng sản, hy vọng vấn đề bô xít của địa phương sẽ được tháo gỡ” – ông Chiến chia sẻ.
Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh về khó khăn, vướng mắc của tỉnh Đắk Nông do vướng quy hoạch bô xít. Trong đó, cả nghìn công trình, dự án bị vướng bô xít, chưa thể triển khai, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.