Một cuộc đời mới
Nguyễn Thành Vinh – lao động sinh năm 2005, quê Lào Cai làm việc trong nhà máy tại Khu công nghiệp Khai Sơn (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) gặp lại phóng viên trong một ngày giữa tháng 7.2024. Vinh chững chạc hơn nhiều so với hồi cùng làm việc với phóng viên khi nhập vai cách đây 2 năm.
Thời điểm đó, khi quyết định ghi nhận câu chuyện về Vinh và nhiều lao động còn ít tuổi khác, chúng tôi cũng đã đắn đo suy nghĩ nhiều ngày.
Bởi, khi loạt phóng sự được đăng tải, Vinh cùng nhiều em khác sẽ không tiếp tục được làm việc trong nhà máy. Thế nhưng, chứng kiến các em làm việc quần quật mỗi ngày, ở tuổi nhẽ ra được học hành, chăm lo đầy đủ, em lại phải tranh thủ từng giờ phút để kiếm tiền; các quyền lợi được hưởng và sự đảm bảo an toàn lao động là không có, chúng tôi quyết định tiếp tục triển khai loạt bài viết.
Sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những công ty môi giới lao động dưới 18 tuổi bị xử phạt số tiền hàng chục triệu đồng. Cùng với đó, số phận của nhiều lao động chưa đủ 18 tuổi rẽ sang một hướng khác. Vinh cho biết, em đã trở về quê hương quay lại với việc học. Hiện nay, em là tân sinh viên của Trường Cao đẳng Đường sắt, vừa đi học, vừa đi làm thêm, Vinh vẫn có tiền trang trải cuộc sống mà không cần nhờ đến sự phụ giúp của bố mẹ.
“Học xong ra trường em xin vào làm việc ở ga tàu, chỉ là nhân viên bình thường thôi nhưng không còn phải chịu cảnh đứng 14-15 giờ/ngày nữa” – Vinh nói.
Cuối năm 2022, Báo Lao Động đăng tải loạt bài viết: “Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi”. Loạt bài có nêu để “cung” đủ số lao động theo “cầu” của các doanh nghiệp, nhiều công ty môi giới ngang nhiên tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi vào làm trong nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện nhựa.
Chỉ cần bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đã chỉnh sửa năm sinh, công ty cho thuê lại lao động đã dễ dàng “vượt mặt” các doanh nghiệp đang “khát” lao động. Hơn nửa năm sau khi loạt bài được đăng tải, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã tỉnh Bắc Ninh thừa nhận các vi phạm mà phóng viên Báo Lao Động đã chỉ ra trong loạt bài viết. Các công ty vi phạm đã bị xử phạt với số tiền hơn 40 triệu đồng.
Đầu năm 2023, trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Lao Động, Chánh Thanh tra Sở này nhiều lần khẳng định, đã đọc rất kỹ, đã xem rất nhiều lần phóng sự điều tra mà nhóm phóng viên thực hiện. Chánh Thanh tra sở cũng thừa nhận, các tài liệu phóng viên thu thập được là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý triệt để các vi phạm của công ty môi giới lao động.
Sự trưởng thành của phóng viên trẻ
Trên đây chỉ là một vụ việc điển hình mà phóng viên Báo Lao Động thực hiện. Trong thời gian có cơ hội bắt đầu thực tập tại Báo Lao Động, được chỉ bảo từ những đồng nghiệp đi trước, được lãnh đạo báo tạo điều kiện, chúng tôi đã được học nghề một cách bài bản nhất. Khi trở thành phóng viên chính thức, sau mỗi loạt bài, mỗi lần nhập vai, mỗi tuyến đề tài dài hơi, phóng viên trưởng thành lên từng ngày, sau từng bài viết.
Sự trưởng thành không chỉ là kinh nghiệm “thực chiến”, đó còn là cách khai thác thông tin trong những tình huống nhạy cảm; là cách chuyển hướng khi đề tài không như dự kiến; thậm chí là những đề xuất hỗ trợ bổ sung về nhân lực, vật chất từ tòa soạn để tuyến bài được tốt hơn.
Quan trọng nhất, quá trình xác minh đơn thư từ bạn đọc, phóng viên giữ được liên lạc, sự tương tác với những nhân vật của mình, từ đó hoàn thiện hơn trong cách ứng xử, cách phản hồi với bạn đọc. Mỗi một bài viết có kết quả, trong những email phản hồi, cảm ơn, niềm hạnh phúc, tự hào khó tả là động lực để phóng viên cố gắng thật nhiều hơn nữa.