Nguyễn Phúc Gia Phúc sinh năm 1847, là con gái út của vua Thiệu Trị triều Nguyễn, mẹ là Cung nhân Hồ Thị Ý Nhi. Khi bà chưa tròn 1 tuổi thì vua Thiệu Trị đã qua đời.
Sách “Chuyện các bà Hoàng bà Chúa triều Nguyễn” (Lưỡng Kim Thành, NXB Thuận Hóa, trang 84) có viết về cuộc đời của Gia Phúc công chúa.
Theo đó, sau khi vua Thiệu Trị băng hà, mẹ con Gia Phúc công chúa được sống bình an trong nội cung, dưới sự bao dung của Thái hậu Từ Dũ. Công chúa Gia Phúc trải qua một tuổi thơ êm đềm trong cung cấm.
Càng lớn, Gia Phúc càng nổi tiếng xinh đẹp, tính tình tự do, phóng khoáng, được nhiều người yêu quý, thường gọi nàng với mỹ hiệu là Công chúa Đồng Xuân.
Giữa bối cảnh khi đó, vận nước ngày càng khó khăn, cả miền Nam lọt vào tay giặc Pháp, anh trai Gia Phúc là vua Tự Đức phải ngày đêm lo lắng.
Lúc ấy, trong triều có vị lão thần là Nguyễn Tri Phương có công đánh Đông dẹp Bắc, lập nhiều công lao. Nhà vua quý trọng Nguyễn Tri Phương, bàn với Thái hậu muốn gả công chúa Gia Phúc cho con trai ông là Nguyễn Lâm.
Sách “Chuyện các bà Hoàng bà Chúa triều Nguyễn” viết: “Con trai đầu lòng của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm cũng là một võ tướng quả cảm trong quân đội nhà Nguyễn. Lễ cưới được tổ chức long trọng theo nghi lễ hạ giá của các công chúa.
Anh hùng sánh với mỹ nhân, một bên là danh gia vọng tộc, một bên là lá ngọc cành vàng, tưởng trên đời không còn mối lương duyên nào tốt đẹp hơn nữa.
Chỉ tiếc lúc ấy cũng là lúc đất nước điêu linh ly loạn, đôi vợ chồng trẻ vui duyên chưa được bao lâu thì quân Pháp tấn công vào thành Hà Nội”.
Trước đó, vua Tự Đức đã biết Pháp đang nhòm ngó Hà Nội nên sai danh tướng Nguyễn Tri Phương giữ thành. Trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội cuối năm 1873, Nguyễn Tri Phương bị bắt và trọng thương, Pháp đề nghị chữa trị để mua chuộc nhưng ông từ chối.
Nguyễn Tri Phương không tiếp nhận chữa trị, tuyệt thực rồi qua đời. Nguyễn Lâm cũng tử trận.
Công chúa Gia Phúc trở thành góa bụa năm 26 tuổi, một mình làm chủ tòa phủ đệ lạnh lẽo ở Kim Long. Nàng tuyệt nhiên không tiếp xúc với ai bên ngoài, những người đàn ông mà nàng giao tiếp chỉ là các anh của nàng.
Sử sách ghi lại trong khoảng thời gian đó, có nhiều lời đồn đại không hay về sự trong sạch của Gia Phúc. Trước sự việc, Thái hậu Từ Dũ nổi giận, truất nàng làm thứ dân, phải làm nô tì cho nhà chồng.
Tuy nhiên, phu nhân của Nguyễn Tri Phương biết dù sao nàng cũng là máu thịt của hoàng gia, cũng thương nàng trẻ người non dạ nên xin trả nàng về hoàng cung.
Gia Phúc trở về cung cấm, quyết định dành cả cuộc đời để tụng kinh niệm phật, ăn chay.
Năm Gia Phúc 39 tuổi, nàng được khoan hồng. Thái hậu Từ Dũ thấy nàng thực lòng hối hận nên xin vua Đồng Khánh được phục chức công chúa để đỡ tủi buồn trong phần đời còn lại. Vua đồng ý, phong nàng làm Phục Lễ công chúa, tức là quay về với lễ nghĩa.
Thời gian sau, Phục Lễ công chúa qua đời, hưởng dương 41 tuổi, được ban thụy là Mỹ Thục.
Theo di nguyện, thi thể của bà được an táng tại quê chồng là xã Chất Long, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc địa phận xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cùng với phò mã Lâm.