Lấy nhau đã gần 5 năm nhưng Liliya vẫn ngày ngày phải dạy anh Bùi Sơn nói tiếng Việt và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Liliya, 33 tuổi, có bố người Nga, mẹ người Việt. Năm 10 tuổi cô theo mẹ về Việt Nam sinh sống nên nói thạo cả tiếng Nga và tiếng Việt. Nhưng chồng cô, anh Bùi Sơn, 33 tuổi, dù là người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Nga nên gần như không nói được tiếng mẹ đẻ, ngoài vài câu chào hỏi cơ bản.
Hai người gặp nhau lần đầu tiên cuối tháng 9/2018 khi Liliya là hướng dẫn viên du lịch, dẫn đoàn từ Việt Nam sang Nga. Khi gặp cô gái có gương mặt “chuẩn Tây” nhưng cách nói chuyện rất thuần Việt anh Sơn lập tức bị hớp hồn và tìm mọi cách để làm quen.
Trước sự nhiệt tình của đối phương, Liliya chỉ đáp lại vài câu xã giao bởi thấy chàng trai tóc ngắn, người cao to trông hơi dữ tợn và không biết nhiều tiếng Việt.
“Gặp nhau hai lần tại nhà hàng nhưng vì tôi bận rộn tiếp khách nên anh ấy không có cơ hội xin liên lạc, sau đó tự tìm được thông qua một đồng nghiệp chung”, cô kể.
Dù sợ yêu xa nhưng chính sự quan tâm, hỏi han cô mỗi ngày của Sơn khiến Liliya thấy tin tưởng và nhận lời làm bạn gái sau vài tháng tìm hiểu. Biết bạn gái thích nói chuyện bằng tiếng Việt nên Sơn cố gắng học, thỉnh thoảng anh còn tự học mấy câu “thả thính” trên mạng để thể hiện tình cảm khiến cô bất ngờ.
Cuối tháng 12/2018, cô gái sang Nga thăm bố và họ hàng một tháng, hai người mới có lần hẹn hò trực tiếp đầu tiên.
“Ngày cuối tôi ở Nga anh ấy đã cầu hôn tôi trên cầu tình yêu ở thành phố Moskva. Dù gặp nhau trực tiếp chỉ vài lần nhưng cả hai luôn cảm thấy quen thuộc, đã yêu từ rất lâu”, Liliya kể. Khi nhận được lời đồng ý của bạn gái, anh Sơn còn thổ lộ mong muốn cùng cô về Việt Nam làm đám cưới và sinh sống khi thấy cô yêu mảnh đất hình chữ S.
Đúng một năm sau, tháng 12/2019, anh Sơn về nước và tổ chức đám cưới. Để thử thách chồng trong màn rước dâu, Liliya đưa ra yêu cầu anh phải hát được một bài tiếng Việt và ăn chanh chấm muối.
“Dù cố gắng học một bản tình ca nhưng quá khó, cuối cùng tôi chọn bài “Con cò bé bé”. May mắn là được nhà gái thông qua để đón dâu”, anh Sơn kể.
Khi về chung một nhà, cô gái Nga bắt đầu quá trình dạy chồng thành “đàn ông Việt thực thụ”, từ phát âm chuẩn tiếng Việt đến cách bắt chuyện, giao tiếp.
“Tôi phải mua sách tiếng Việt lớp 1, bảng chữ cái về để dạy chồng từ đầu. Khi nói tiếng Nga anh là một chàng trai ấm áp nhưng chuyển sang tiếng Việt lại ú ớ như con nít”, Liliya nói.
Ban đầu, dạy được một, hai buổi học dấu, bảng chữ cái, cô bất lực muốn bỏ cuộc khi thấy chồng liên tục nói ngọng, đọc sai dấu, phát âm dấu hỏi thành dấu sắc, dấu nặng thành dấu ngã.
“Bố mẹ chồng tôi quê gốc Quảng Bình nên nhiều lúc anh còn nói sang tiếng địa phương “chi, mô, răng rứa” khiến tôi không hiểu gì, công cuộc dạy học lại thêm khó khăn”, Liliya kể. Thay vì áp lực làm dâu, việc giúp chồng thạo tiếng, làm quen với cuộc sống mới còn khó hơn.
Mỗi ngày cô chọn lọc những bài báo tiếng Việt liên quan tới ngành kinh tế, tài chính chồng đang tìm hiểu để chàng trai đọc, hiểu. Từ nào anh Sơn không biết cô bắt phải ghi ra để tra cứu và học thuộc lòng. Cái Tết đầu tiên của hai vợ chồng ở Việt Nam năm 2020, cô đưa anh cùng đi chợ xuân, sắm đồ, mua hoa, để học cách trả giá, giao tiếp trong buôn bán để tránh bị chặt chém.
“Lần đầu đi chọn cành đào, hai vợ chồng mất mấy tiếng để chọn, tôi hướng dẫn anh rằng trong tiêu chuẩn của người Việt, chọn cành đào, hoa phải nhiều cánh, nở dày đem về chưng đầu năm mới phát lộc”, Liliya nói.
Chưa kể, đến dịp lễ, Tết ở Việt Nam, việc cúng bái thường phải do đàn ông thực hiện. Ban đầu, anh Sơn khấn bằng tiếng Nga nhưng dưới sự giám sát của vợ, anh nhờ cô dạy và tập khấn bằng tiếng Việt. “Nhiều lúc anh còn nói tiếng Anh lẫn Việt như “Hello các cụ”. Sau nhiều lần tập luyện thì cũng tự khấn được một số bài cơ bản”, Liliya nói.
Từ chặt gà, làm mâm cỗ, gói bánh chưng, bánh tét, anh Bùi Sơn đều lần đầu được trải nghiệm tại Việt Nam. Chàng trai nói nhờ có vợ, anh cảm thấy yêu văn hóa Việt Nam hơn, yêu cách người Việt quây quần vào dịp lễ và hàng xóm thường chia sẻ đồ ăn ngon hay mời sang chơi như người một nhà.
Dù loay hoay trong việc phải dạy chồng mọi thứ ở Việt Nam nhưng Liliya nói cô rất vui khi chồng đã chấp nhận bắt đầu cuộc sống mới ở đây chỉ để được ở bên cô. Ngoài những lúc học tiếng Việt ú ớ, chàng trai cũng thể hiện mình là người bạn đời đáng tin cậy như nấu ăn, giúp vợ việc nhà, cùng nhau phát triển trong công việc, chia sẻ mọi buồn vui.
“Anh Sơn lại nghe hiểu rất rõ tiếng Quảng Bình, nhiều lần về quê chồng, tôi như lạc vào một thế giới với ngôn ngữ chưa từng được nghe, anh lại là người giúp tôi phiên dịch, kết nối với họ hàng”, cô vợ người Nga nói.
Những video về cuộc sống hai vợ chồng được Liliya đăng tải trên kênh Tiktok “Điệu hổ Li Sơn” thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều người cũng tỏ ra thích thú, ngạc nhiên để lại bình luận: “Vợ người Nga lại dạy chồng Việt tiếng Việt, đáng yêu quá”, “Gái Tây nhưng lại đúng chuẩn vợ Việt”. Cô bật mí, trước khi yêu anh Sơn, bố chồng cũng chính là người hâm mộ thường xuyên theo dõi kênh “Hàng xóm Tây” với hơn 500.000 lượt theo dõi do cô là một trong những thành viên làm nội dung.
“Tôi thường xem những kênh nói về người nước ngoài thích sống ở Việt Nam, cụ thể là kênh của con dâu, may mắn cho con trai khi lấy được cô bé hoạt bát, tài năng, rất giỏi tiếng Việt”, bố chồng Liliya cho biết.
Sau gần 5 năm kết hôn, cả hai đã có con đầu lòng được hơn một tuổi. Liliya vẫn là giáo viên kèm cặp tiếng Việt cho cả anh và con trai mỗi ngày.
“Có lẽ chúng tôi sinh ra là dành cho nhau, quá trình làm rể chuẩn Việt của anh còn dài, hai vợ chồng cùng cố gắng hòa nhập”, cô gái Nga chia sẻ.
Thanh Nga