Bình PhướcKhông có bố, chưa từng biết họ hàng nội ngoại, thế giới của Trà My chỉ xoay quanh mẹ cùng căn nhà hoang – nơi người lạ cho hai mẹ con tá túc nhờ.
Trong căn nhà chật chội tại huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, chỉ có vài vật dụng thiết yếu. Phía trước nhà có mảnh vườn xanh ngắt, nơi cô bé 7 tuổi thường nghệch ngoạc trên nền đất những hình ảnh từ trí tưởng tượng phong phú của mình.
Với Trà My, mảnh vườn là thế giới mở với tràn ngập hoa lá chim chóc, nuôi dưỡng ước mơ hội họa.
Nhưng một năm nay, thế giới của cô bé bỗng thu hẹp lại trong khuôn viên bệnh viện và những cơn đau tưởng chết đi sống lại. Mẹ em – chị Mỹ Dung – luôn động viện con ở lại, bởi đây là “nơi duy nhất có thể chữa ung thư máu”.
Từ khi sinh ra, Trà My không biết mặt bố, bởi ông bỏ đi khi cô bé mới 6 tháng tuổi. Là người Bắc chuyển vào Bình Phước làm thuê, thông tin về người nhà người đàn ông này, chị Dung chưa từng hay biết.
Bên ngoại Trà My cũng từng sống ở Bình Phước nhưng ông bà mất sớm. Mảnh đất duy nhất của gia đình bán đi, chia đều cho 8 người con, trong đó có chị Dung. Đất chia xong anh em cũng tan đàn xẻ nghé, người mất, người còn nhưng lấy chồng hay lập nghiệp xa, ít có cơ hội gặp gỡ.
Không có nơi nương tựa, chị Dung ban đầu đi thuê, sau xin tá túc trong ngôi nhà bỏ không ở xã Tân Quan, huyện Hớn Quảng. Có chỗ ở, người mẹ 42 tuổi ngày ngày dắt con đi làm thuê, lúc rửa bát quán cơm, lúc dọn cỏ làm vườn, lúc lại lau dọn nhà cửa. Mỗi khi làm việc, chị lại trải một tấm bạt xuống đất cho con ngồi bên cạnh. Vốn hiểu chuyện, từ nhỏ Trà My ít quấy khóc mà tự chơi một mình. Đôi khi chỉ với vài chiếc lá hay bông hoa dại hái trong vườn, cô bé cũng có thể chơi cả buổi.
“My cũng dễ tính, nắm xôi hay mẩu bánh mỳ với con bé cũng đáng quý. Mẹ đưa gì ăn nấy, không chê bai bao giờ”, chị Dung nói.
Cuộc sống của hai mẹ con trôi qua êm đềm như thế cho đến tháng 8/2023, trước thời điểm nhập học một tháng, Trà My bỗng sốt cao. Sau cả tuần không thuyên giảm, chị Dung đưa con gái đến bệnh viện làm xét nghiệm máu và được khuyên nên lên thành phố khám lại. Tại Bệnh viện Nhi đồng 3, TP HCM bác sĩ chẩn đoán, cô bé bị ung thư máu.
Chưa học hết cấp một, không hiểu rõ ung thư là gì nhưng người mẹ đoán chắc là bệnh nặng. “Tôi biết vậy bởi bác sĩ nói phải điều trị 3-4 năm”, chị Dung chia sẻ. Theo nhận thức của người phụ nữ này “nếu bệnh nhẹ, chẳng mất nhiều thời gian chữa trị như vậy”.
Những ngày đầu nhập viện, Trà My liên tục phải nằm trong phòng cấp cứu vì sốt cao, nhiễm trùng máu. Tiếp đến là chuỗi ngày truyền hóa chất, thứ mà cô bé 7 tuổi luôn thắc mắc “Thuốc gì mà làm con đau vậy mẹ?”. Khi được giải thích, My dần hiểu, nhưng lúc quá mệt cô bé lại đòi giật dây chuyền ra rồi nức nở: “Con chỉ muốn được về nhà”.
Từ khi Trà My mắc bệnh, chị Dung chìm trong nỗi lo lắng vô tận. Để chữa bệnh cho con, người mẹ phải nghỉ làm, sinh hoạt phí và tiền nằm viện đều dựa vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Điều người phụ nữ này lo sợ nhất là đến ngày không còn ai giúp đỡ, hết tiền đành phải đem con về nhà. Nghĩ tới lúc đó, người mẹ cảm giác không thở nổi, cũng không thấy chút ánh sáng hay hy vọng nào phía trước.
Còn với Trà My, đối diện với bệnh tật, ngay cả tình yêu của mẹ cũng trở thành gánh nặng.
Không ít lần cô bé đặt câu hỏi mình có phải là đứa con hư khi ốm đau liên miên khiến mẹ ngày đêm lo lắng. Có lần My thủ thỉ: “Nếu không còn tiền, con còn được chữa trị không?”. Nhưng mỗi lần nhìn thấy mẹ vét những đồng cuối cùng trong ví mua cơm cho mình, cô bé lại đòi về, không muốn chữa bệnh nữa.
Dù nhút nhát nhưng cô bé 7 tuổi rất biết cách an ủi người khác. Những lúc khỏe hơn, cùng nhau đi dạo trong sân vườn bệnh viện, My vẫn lén nhìn về phía sau vì sợ người khác ăn trộm ví tiền hay trêu chọc mẹ. Thấy mẹ nhường suất cơm cho mình, cô bé lại chủ động nài nỉ mẹ ăn thêm.
Từ lâu, Trà My cũng không còn kêu đau mỗi lần vào thuốc và coi việc nằm viện là chuyện thường tình.
“Cháu quen rồi, cũng giống như ở nhà vậy”, My cười mỗi khi ai đó hỏi thăm, tựa như nỗi đau của bệnh tật không đáng nhắc tới. Dù thực tế mỗi ngày cô bé phải truyền và uống rất nhiều loại thuốc, phải chọc tủy xương mỗi lần kiểm tra. “Ban đầu đau, nhưng quen rồi không thấy đau nữa”, My động viên khi thấy mẹ nức nở khi sờ nắn vào hai cánh tay chi chít vết châm chọc của con.
Dù nỗi đau gắn liền với Trà My một cách rõ ràng và cụ thể, dày vò ngày đêm nhưng cô bé luôn tìm được góc nhìn lạc quan nhất để giải tỏa.
Năm ngoái nếu bệnh tình không tái phát, Trà My đã là học sinh lớp 1. Biết con thích học chữ, mỗi khi cô bé đỡ mệt, chị Dung lại lôi sách vở ra dạy. Hai mẹ con tập đọc, tập viết trong phòng bệnh, có hôm đến tận tối muộn. Trà My nhớ chữ nhanh, nhưng cứ qua một đợt cấp cứu hay sốt cao, cô bé lại quên nhiều, người mẹ phải kiên nhẫn dạy lại từ đầu.
Chữ có thể quên, con số cũng không nhớ nhiều nhưng ước mơ thành họa sĩ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí cô bé 7 tuổi. Dù mặc áo bệnh viện, sống trong phòng bệnh nồng nặc mùi thuốc khử trùng, tay luôn dính 3-4 loại dây chuyền nhưng My vẫn thích vẽ. Có những buổi, một tay truyền thuốc, tay còn lại cô bé mải mê vẽ. Người nhà bệnh nhân khác nhìn thấy My cử động mạnh, sợ ảnh hưởng thuốc truyền nên nhắc nhở nhưng chị Dung chỉ cười: “Con bé không thể ngừng theo đuổi ước mơ chỉ vì bệnh tật”.
Trong những bức tranh của mình, My thường vẽ về mẹ, về các nữ bác sĩ, y tá. Những nhân vật trong tranh của Trà My dù khác nhau về nghề nghiệp và tuổi tác nhưng có điểm chung là luôn sở hữu mái tóc dài suôn mượt cùng khuôn mặt rạng rỡ, mà theo như cô bé: “Khi nào khỏi ốm, cháu cũng sẽ xinh tươi và khỏe mạnh như thế”.
Nhằm hỗ trợ bệnh nhi ung thư (trong đó có Phước Thị Trà My, Bình Phước), Quỹ Hy vọng phối hợp với nền tảng vRace triển khai giải chạy bộ và đạp xe gây quỹ. 100% phí đăng giải sẽ được ủng hộ để tài trợ viện phí cho các em. Giải chạy đặt mục tiêu thu hút 3.000 runner tham gia và gây quỹ 300 triệu đồng.
Độc giả tìm hiểu thông tin tại đây.
Hải Hiền