Mít ruột đỏ trên đất đồi
Ông Nguyễn Văn Diệm (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng như nhiều gia đình khác trồng 4ha cây cao su từ nhiều năm trước. Công việc cực nhọc mà thu nhập lên xuống theo giá mủ.
Ông tìm tòi những giống cây mới để thay thế vườn cao su của mình, nhận thấy mít ruột đỏ đang được ưa chuộng, giá thành ổn định. Sau khi học hỏi từ mô hình đã thành công, ông Diệm mạnh dạn mua cây giống về trồng.
Ban đầu, ông xác định trồng cây theo mô hình hữu cơ, không sử dụng các chế phẩm hóa học, bởi vậy, ông thu mua phân gà ở các trang trại về trộn cùng đạm cá làm phân bón. Từ khi cây con bén rễ đến lúc trưởng thành, cây đều được bón phân hữu cơ định kỳ, cùng các phương pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh sinh học hoàn toàn.
Sau gần ba năm chăm sóc, lứa mít đầu tiên với hơn 1.700 cây đã cho thu hoạch, giống này được người dân và thương lái ưa chuộng. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Diệm đã thu hoạch 3 đợt với hơn 15 tấn mít ruột đỏ chất lượng cao; mỗi quả có trọng lượng từ 8 – 12 kg. Các đơn vị đến thu mua tại vườn với giá 20 ngàn đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Ông Diệm chia sẻ: “Tôi cũng gây giống để trồng mở rộng thêm diện tích, nên mỗi năm cũng sẽ có thêm lứa mít mới cho thu hoạch. Tôi sẵn sàng chia sẻ mô hình và kinh nghiệm đến các gia đình khác khi họ có nhu cầu chuyển đổi”.
Được ông Diệm chỉ dẫn, anh Nguyễn Văn Thành (tổ dân phố Hữu Nghị) mạnh dạn chuyển đổi 1ha diện tích cây trồng trên vùng đồi của mình, để chuyển qua trồng mít ruột đỏ. Đây là cây trồng hợp thổ nhưỡng trên vùng đất gò đồi, nên quy trình trồng và chăm sóc không quá khó. Hiện anh Thành rất vui mừng, khi vườn mít đã bắt đầu cho ra lứa đầu tiên và có đơn vị đặt mua.
Chuyển đổi và canh tác theo chuẩn VietGAP
Từ nhiều năm nay, nhận thấy thu nhập từ mủ cao su, những cây trồng truyền thống lâu năm không ổn định, nông dân trên vùng đồi ở thị trấn Nông trường Việt Trung đang dần thay đổi tư duy, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang diễn ra khá phổ biến với nhiều loại cây ăn quả khác nhau.
Theo Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung, diện tích hội viên nông dân đã chuyển đổi đến nay mở rộng trên 179 ha. Các giống cây ăn quả lâu năm đang là sự lựa chọn của người nông dân. Riêng với trồng mít ruột đỏ, hiện đã có 20 hộ trồng trên 32ha, trong đó hơn 10ha đã cho thu hoạch quả. Hội nông dân cũng đã có những định hướng, hướng dẫn cho hội viên trong khâu chọn giống, trồng đúng thời vụ và kỹ thuật chăm sóc để mít phát triển tốt cũng như đậu trái kịp mùa thu hoạch.
Bà Trần Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho hay, năm nay, sản lượng mít ruột đỏ tại địa phương ước đạt trên 80 tấn, với giá bán bình quân khoảng 20 đồng/kg.
Được biết, huyện Bố Trạch đang hỗ trợ người dân chuyển đổi và canh tác nhiều loại cây trồng ăn quả theo chuẩn VietGAP, xây dựng các sản phẩm thành thương hiệu OCOP.
Bên cạnh việc hướng dẫn hội viên thực hiện các mô hình cho ra chất lượng sản phẩm tốt, Hội Nông dân thị trấn cũng chú trọng kết nối, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Đồng thời, hội cũng hướng đến thực hiện chuỗi liên kết nhằm mở rộng sản xuất và đảm bảo đầu ra cho các loại cây ăn quả khác sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng – bà Trần Thị Nguyệt cho biết thêm.