Sau gần 2 năm hạ giải, trùng tu lớn, Chùa Cầu Hội An đã hoàn thành, dự kiến sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 3.8.2024.
Tuy nhiên, ngay khi những hình ảnh đầu tiên về cây cầu sau trùng tu – có màu mới, sáng, lệch tone so với màu rêu phong của công trình cũ – đã lập tức nhận sự phản đối của cộng đồng mạng.
Cũng như những lần phản ứng trước đây đối với các di tích Cầu Ngói Thanh Toàn, Ngọ Môn (trong Hoàng thành) ở Huế vừa xong trùng tu, Chùa Cầu Hội An bị chê là mới và xa lạ quá.
Nhưng làm sao mà Chùa Cầu không bị mới được khi đã hạ giải – tức tháo dỡ hoàn toàn ra để gia cố móng, thay thế những cột trụ mục nát, các thanh gỗ kết cấu bị hư hỏng…, đảm bảo an toàn và tính bền vững cho di tích. Dù Chùa Cầu đã được lắp ráp nguyên như cũ, lợp lại phần lớn ngói cũ, tuy vậy, khó có thể giữ màu thời gian nguyên trạng được.
Phản ứng của người dân, dư luận cũng không sai, bởi đó là cảm xúc tức thời khi thấy một hình ảnh di tích, công trình kiến trúc cổ – vốn nhuốm màu rêu phong đã bị làm mới toanh, sáng chói. Nhất là những công trình kiến trúc, di tích nổi tiếng, là biểu tượng như Chùa Cầu Hội An. Người dân phố cổ, du khách yêu Hội An bao lâu nay đã đếm thời gian qua mái ngói, trên tường vôi nhà cổ, nhìn mùa đi qua theo sự thay đổi sắc màu của rêu… Vì vậy, mọi thay đổi trên mái ngói nhà cổ, trên công trình di tích như Chùa Cầu bị thay đổi thì lập tức có phản ứng ngay.
Nhưng đưa 2 ảnh “khác màu thời gian” của Chùa Cầu trước và sau trùng tu lên, để từ đó chê bai, chỉ trích nặng lời là chưa phù hợp. Bởi Chùa Cầu đã trải qua lịch sử gần 400 năm, lại ở vùng thấp trũng, bị ngập lụt hàng năm, kết cấu chủ yếu bằng gỗ, vì vậy đã bị xuống cấp theo thời gian. Nếu không trùng tu thì cầu gãy, sập đổ, bị phá hủy. Chùa Cầu đã từng 7 lần được tu bổ lớn. Lần gần nhất là năm 1996.
Vì vậy, trùng tu là đúng, cần thiết. Vấn đề là có đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của công tác trùng tu di tích hay không? Có làm dối, làm ẩu hay không, chứ không phải là màu sắc mới – cũ.
Khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, Chùa Cầu Hội An được trùng tu công khai, minh bạch, được giám sát bởi các nhà chuyên môn, chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bộ VHTTDL; đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là nguyên gốc, nguyên bản và tính chân xác.
Muốn Chùa Cầu Hội An có rêu phong, nhuốm màu cổ kính như xưa thì phải để cho công trình này có thời gian. Hoặc rất dễ, như cách nói của Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn là sẽ nghiên cứu, tìm cách cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát, giống với màu cũ.