Gần hết tháng 6 âm lịch vẫn chưa có hiện tượng chuyển dạ, Mai Phương quyết định xin mổ đẻ để con không phải chào đời vào “tháng cô hồn”.
Sau khi khám và kiểm tra các chỉ số, người phụ nữ 34 tuổi ở Hà Nội được kết luận đủ điều kiện mổ đẻ, vì đang ở tuần thai thứ 39, sức khỏe mẹ và thai nhi đều ổn. Tuy nhiên cô được khuyên nên sinh thường như lần đầu để tốt cho cả mẹ và con.
”Mua cái quần cái áo còn phải tránh tháng 7 nữa là sinh đứa con”, Phương nói và tiếp tục bày tỏ nguyện vọng. Cô gọi điện về quê nhờ bà ngoại đi xem ngày giờ đẹp, đồng thời báo bà nội chuẩn bị ra chăm cháu. Chồng Phương cũng xin phép cơ quan nghỉ chăm vợ.
Hôm 31/7 (tức 26/6 âm lịch), Phương vào viện. Dù đông đúc, tất cả khâu đều phải chờ đợi, cô cũng như nhiều sản phụ khác vẫn hồ hởi. Cùng ngày, vợ chồng cô đã chào đón con gái nặng 3,4 kg, mẹ và con đều khỏe. “Tôi tính ở viện ba ngày để kịp đưa bé về nhà trước ‘tháng cô hồn'”, Mai Phương nói.
Bác sĩ Lê Duy Toàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, nhiều sản phụ có nhu cầu mổ chủ động để “chạy tháng 7 âm”, thậm chí có trường hợp đặt vấn đề mổ chọn ngày chọn giờ, nhưng đó chỉ là quan niệm của sản phụ.
Trên phương diện chuyên môn, các bác sĩ chỉ đồng ý để em bé ra đời ở thời điểm đảm bảo sức khỏe nhất. Khi đến bệnh viện, thai nhi được chỉ định mổ phải đảm bảo đủ tháng đủ ngày, đúng về góc độ chuyên môn.
“Không phải thích tránh mà được. Muốn mổ chủ động, tuổi thai đủ tuần, đủ tháng trở lên và đạt đủ các tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học’”, bác sĩ Toàn nói.
Hơn nửa tháng trước, vợ chồng anh Đức Trọng, 30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội nhận được thông báo lấy lại căn nhà đang thuê. Chủ nhà cho thời hạn hai tháng nhưng vợ nhất định đòi chuyển trước tháng 7 âm lịch. “Mẹ tôi ở quê cũng gọi ra giục phải chuyển gấp vì bảo tháng 7 xấu”, Trọng nói.
Anh kỹ sư IT đang bận làm dự án nhưng không thể tập trung vì vợ suốt ngày giục tìm nhà. Ban ngày anh phải lùng sục khắp hội nhóm tìm nhà và tranh thủ sáng sớm hay chiều tối đi xem. Đến đêm anh lại phải thức khuya làm việc.
Sau hơn một tuần, vợ chồng Trọng chọn thuê được căn nhà hai tầng hợp túi tiền. Nhà cũ, trần thấm dột, chủ nhà hứa sẽ sửa lại, song những ngày cuối tháng mưa triền miên không làm được gì. Bất chấp nhà dột, vợ Trọng vẫn quyết tâm chuyển.
“Về nhà mới gần chục ngày rồi mà đồ đạc vẫn bọc nylon chưa dám tháo ra. Không biết chạy tháng 7 được lợi gì, nhưng giờ nhìn nhà ngổn ngang mà nản”, ông bố hai con nói.
Là một người kinh doanh, tháng 7 âm lịch là thời gian “nằm im bất động” với anh Nguyễn Thanh Quốc, ở Hải Phòng, chủ một doanh nghiệp điều phối thuyền viên cho các tàu vận tải đi nước ngoài.
Những ngày qua, anh phải “vắt chân lên cổ”, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn để lo thủ tục xuất hành cho gần 20 thuyền viên. Hai hôm nay mọi thứ hoàn tất ổn thỏa, anh mới dám thở phào. “Công việc đi biển vất vả và nhiều rủi ro, bao năm nay tôi đều tránh xuất hành tháng 7”, anh Quốc nói.
Các tháng khác, bất kể lễ Tết, cứ có đợt tuyển thuyền viên là anh lại điều phối người đi. Nhưng tháng 7 âm, anh chỉ giải quyết việc giấy tờ. Mọi việc lớn, đặc biệt chuyện xuất hành, để sang tháng 8 mới làm tiếp.
“Các cụ bảo ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’. Tôi chẳng biết sao lại vậy, chỉ thấy từ đời ông cha đã tránh làm ăn trong tháng cô hồn”, anh nói thêm.
Theo nhà văn hóa, phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có nhiều lý do dẫn đến tâm lý chạy tháng 7 âm (tháng cô hồn) của người Việt nhưng lớn nhất là do lễ cúng Xá tội vong nhân vào ngày rằm. Theo dân gian, rằm tháng 7 âm lịch là lúc “cửa ngục mở ra và các linh hồn lang thang được thả về dương gian”, quấy phá khiến con người làm việc gì cũng bị trắc trở, thậm chí bị hỏng, thất bại, tai họa.
“Việc ‘chạy tháng 7’ đã trở thành một thói quen và truyền từ đời này sang đời khác. Không phải ai cũng tin vào quan niệm này, nhiều người vẫn tuân thủ để tạo sự yên tâm”, ông Sơn nói.
Phó giáo sư Bùi Xuân Đính, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết tâm lý “chạy tháng cô hồn” không chỉ có ở người Việt mà còn ở một số quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Trước đây, vào tháng 7 người Việt kiêng tập trung vào các việc lớn như tổ chức cưới xin, làm nhà, mua bán bất động sản, ký kết các hợp đồng làm ăn, đi chơi xa. Các kiêng kỵ này cũng có lý do khoa học là tháng 7 mưa nhiều nhất trong năm, nên làm việc gì cũng khó thuận lợi.
“Ngày nay, việc kiêng kỵ tháng 7 càng phổ biến, thậm chí xuất hiện cả những loại kiêng mới rất lạ lùng, với sự can thiệp của kỹ thuật hiện đại, điển hình là kiêng sinh con vào tháng 7”, ông Đính nói.
Đứng từ góc độ khoa học, ông Hoàng Triệu Hải, giám đốc Trung tâm nghiên cứu địa lý kiến trúc phương Đông (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết tháng 7 là thời điểm quỹ đạo trái đất ở cách mặt trời xa nhất, vì thế khí mặt trời (dương khí) yếu hơn rất nhiều. Có thể vì tháng vượng âm nên người xưa chọn để làm lễ là Xá tội vong nhân.
Nếu như xa xưa, người Việt thường cúng tế, kiêng kỵ vào hai dịp rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán thì từ những năm 1990 khi kinh tế mở cửa, trong giới làm ăn bắt đầu hình thành nhiều kiêng kỵ hơn. Đến nay thế hệ 8x, 9x được truyền thừa những mê tín này và hình thành nỗi sợ “tháng cô hồn”.
“Người Việt thường mang tâm lý ‘có kiêng có lành’ mà không chịu tìm hiểu khoa học về sự vận động trái đất với các quy luật tự nhiên, với hệ mặt trời và vũ trụ. Một khi hiểu được tính khoa học thì tháng 7 không có gì đáng sợ”, ông Hải nói.
Theo ông, trong khoa học chỉ kiêng duy nhất đào móng (động thổ) và cất mái vào tháng 7, bởi lẽ theo nguyên tắc phong thủy hay bất cứ bộ môn nào khác cũng chuộng cân bằng âm dương. Khi động thổ xây nhà, tương tác âm khí và con người lớn hơn dương khí, dẫn tới nhiều tác động xấu tới người động thổ, chứ không có ma vong gì ở đây.
Hơn nữa, theo quy ước của lịch can chi và pháp cổ, tháng 7 âm lịch thậm chí còn có nhiều ngày đẹp hơn tháng 6. Dồn việc vào tháng 6 để chạy tháng 7 là bỏ qua rất nhiều cơ hội tốt, thậm chí trái với quy luật. Như việc một đứa trẻ sinh ra đời vào ngày đó giờ đó là khai hoa nở nhụy, khi can thiệp vào sẽ thay đổi số mệnh đứa trẻ, không còn tốt nữa.
“Quan điểm của tôi nếu tháng 7 họ giảm giá tốt, mà thấy được lợi thì cứ mua. Sinh con đẻ cái, chuyển nhà, nhập trạch, kể cả khai trương, mà không động tới đất đai thì cũng không sao cả, cứ làm”, ông Hải nói.
Đồng tình, phó giáo sư Bùi Xuân Đính cho biết việc kiêng kỵ chỉ là quan niệm, có thể đúng với người này mà không đúng với người kia; đúng với việc này mà không đúng với việc kia, chưa có một thống kê, tổng kết chính xác trên diện rộng.
“Việc kiêng kỵ thiếu căn cứ làm cho nhiều người mất đi các cơ hội làm ăn, giải quyết các công việc theo ý định, thậm chí gây xích mích gia đình. Vậy nên, mọi việc cứ theo dự định mà làm, không cần phải chạy, phải tránh”, ông Đính nói.
Phạm Nga – Phan Dương