Tiến sĩ ShubhKarman Singh Saini – bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Manjeet Saini, Jalandhar (Ấn Độ) – cho biết, cha mẹ có tính cách đặc trưng như thường xuyên sử dụng hành vi thao túng, thiếu chú ý hoặc bạo lực, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần, hạnh phúc tình cảm, kỹ năng xã hội và phát triển, sở thích và thành tích học tập của trẻ. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ một cách lâu dài.
Trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ khó tính sẽ thường xuyên phải chịu sự ngược đãi về mặt tình cảm, tâm lý hoặc thể chất, dẫn đến các triệu chứng lo âu mạn tính, trầm cảm, lòng tự trọng thấp…
Những đứa trẻ này thường có xu hướng cảm thấy bản thân vô giá trị, suy nghĩ quá mức, coi các hành động bình thường là tiêu cực và đôi khi tự thu mình lại với xã hội.
“Việc ngược đãi thể chất liên tục ở nhà cũng có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở trẻ em, các hệ quả sẽ bắt đầu biểu hiện vào cuối tuổi vị thành niên. Những đứa trẻ này thường có cơ chế đối phó kém phát triển, khiến chúng rất khó đối mặt với các tình huống căng thẳng và rất dễ từ bỏ”, ông ShubhKarman Singh Saini phân tích.
Tác động của việc nuôi dạy con cái khắt khe, khó tính
Tiến sĩ ShubhKarman chia sẻ một số hậu quả của cách nuôi dạy con cái độc hại đối với trẻ em:
Sức khỏe tâm thần: Lo lắng, trầm cảm, PTSD, lòng tự trọng thấp và ý định tự tử rất phổ biến ở những trẻ em này.
Mối quan hệ và hành vi xã hội: Trẻ sẽ khó khăn trong việc thiết lập và duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Chúng thường cảm thấy lạc lõng, bị hiểu lầm và đấu tranh với các vấn đề về lòng tin trong hầu hết mọi mối quan hệ mà chúng tham gia.
Hiệu suất học tập: Trẻ em bị ảnh hưởng căng thẳng về mặt cảm xúc do cách nuôi dạy con cái độc hại thường tránh né giáo viên hoặc trốn học.
Những chấn thương liên tục dẫn đến giảm động lực và các vấn đề về sự chú ý, tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập của trẻ và định hình tương lai của trẻ.
Tác động lâu dài: có thể dẫn đến giảm hiệu suất công việc, khó khăn trong các thử thách hằng ngày, tự ti, khó duy trì hôn nhân tốt đẹp và cuối cùng là cảm giác chán nản, lo lắng, thay đổi tính cách và khó ngủ.
Cách giải quyết
Tiến sĩ ShubhKarman đưa ra một số chiến lược để giải quyết những thách thức này:
– Thiết kế kế hoạch điều trị phù hợp có thể bao gồm cả thuốc.
– Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để giải quyết và định hình lại các kiểu suy nghĩ tiêu cực.
– Tìm kiếm kinh nghiệm từ các nhóm hỗ trợ nơi trẻ em đã từng đối mặt với những vấn đề tương tự và có kết quả phục hồi tốt.
– Các kỹ thuật chánh niệm như yoga và thiền giúp kiểm soát căng thẳng và cải thiện khả năng điều hòa cảm xúc.
– Các biện pháp tự chăm sóc thúc đẩy lối sống lành mạnh, sức khỏe cảm xúc, động lực và quản lý tinh thần.