Giới game Trung Quốc không thiếu những người đổi đời sau một đêm, nhưng hành trình thành tỷ phú của Trần Thiên Kiều có lẽ ấn tượng nhất.
Đầu năm 2024, tạp chí Land Report đã công bố bảng xếp hạng 100 “địa chủ” mới nhất nước Mỹ. Trần Thiên Kiều, người Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 82 và là một trong hai người nước ngoài sở hữu nhiều đất nhất.
Tin này gây náo động khiến các chính trị gia Mỹ yêu cầu quốc hội ngăn chặn “đối thủ nước ngoài” tung tiền mua gom đất để bảo vệ an ninh nông nghiệp.
Bảng xếp hạng người giàu toàn cầu Hurun 2024 cũng cho thấy tài sản của gia đình Trần Thiên Kiều tăng 10 bậc, từ 8 tỷ tệ năm 2004 lên 53 tỷ tệ. Mặc dù đã ở ẩn gần chục năm, tên ông một lần nữa dậy sóng.
Trần Thiên Kiều sinh năm 1973 tại Chiết Giang, trong một gia đình cha là kỹ sư, mẹ là giáo viên. Ông bà nội rất vui mừng trước sự ra đời của cháu đích tôn, đặt tên là Thiên Kiều, nghĩa là “cây cầu lên trời của nhà họ Trần”.
Ở tuổi 17, Trần Thiên Kiều thi đỗ vào khoa kinh tế Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Chỉ mất ba năm, ông đã tốt nghiệp. Đến năm 23 tuổi, chàng trai đã trở thành thư ký của chủ tịch tập đoàn Lục Gia Chủy, một trong 10 công ty bất động sản hàng đầu thời bấy giờ và được trang bị máy tính để bàn – thứ siêu hiếm ở Trung Quốc.
Sau này lãnh đạo cũ của Trần Thiên Kiều nhớ lại: “Năm đó thằng nhóc này chịu làm thư ký cho tôi, tám phần là vì ham cái máy tính”.
Cuối những năm 90, một loạt những “ông lớn công nghệ” Trung Quốc ra đời. Lưu Cường Đông thành lập JD, Trương Triều Dương tài trợ thành lập Sohu, Mã Hóa Đằng trẻ tuổi cùng bạn học lập Tencent, Lý Ngạn Hoành rời phố Wall đến thung lũng Silicon tạo ra Baidu.
Khi đó Trần Thiên Kiều 26 tuổi, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, quyết định dấn thân vào lĩnh vực Internet. Việc tìm nguồn vốn với ông không khó nhưng lại không am hiểu kỹ thuật. May mắn, em trai của ông, Trần Đại Niên là một lập trình viên có tiếng.
Công ty Mạng Thịnh Đại của vợ chồng Trần Thiên Kiều và em trai thành lập năm 1999, với số vốn 500.000 tệ. Một năm sau, họ được một nhà đầu tư rót 20 triệu tệ.
Trước yêu cầu của nhà đầu tư phải mở rộng quy mô, Trần Thiên Kiều đã xuất mô hình kinh doanh “một cá bốn món”, tức tách thành nhiều kênh và tăng lưu lượng truy cập. Quả nhiên, sau khi Thịnh Đại chuyển sang kinh doanh chủ yếu là quảng cáo hoạt hình, mô hình kinh doanh này nhanh chóng nhận được đơn đặt hàng quảng cáo hợp tác từ các thương hiệu lớn.
Sau năm 2000, bong bóng Internet ở Trung Quốc vỡ, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Đúng lúc này, một công ty game Hàn Quốc đến Thượng Hải để quảng bá một tựa game online và được kết nối với Trần Thiên Kiều. Tựa game này chính là Truyền kỳ, sau này đã đưa Thịnh Đại lên đỉnh cao.
Ban đầu chơi thử thấy ham, anh em họ Trần quyết định đánh cược. Tuy nhiên nhà đầu tư lại coi thường game online, không rót 1/3 khoản đầu tư còn lại khiến đường ai nấy đi.
Game online không giống offline, muốn vận hành cần rất nhiều máy chủ, tốn kém. Nhưng tất cả số tiền còn lại của Thiên Kiều được dùng để trả phí làm đại lý của Truyền kỳ, không còn tiền mua thêm máy chủ.
Là một doanh nhân thông minh, Trần Thiên Kiều nghĩ ra giải pháp trao đổi tài nguyên. Ông dùng hợp đồng đại lý với nhà phát hành Hàn Quốc để thuyết phục hãng Dell cung cấp máy chủ miễn phí trong hai tháng; lại dùng hai hợp đồng thuyết phục China Telecom cung cấp đường truyền băng rộng miễn phí; cuối cùng dùng tất cả các hợp đồng với tỷ lệ chia sẻ 33% thuyết phục Ubisoft bán thẻ game cho mình.
Sau những cuộc đàm phán “tay không bắt giặc”, tháng 9/2001, Thịnh Đại bắt đầu hai tháng thử nghiệm trò chơi. Truyền kỳ nhanh chóng chiếm lĩnh 68% thị phần game online toàn Trung Quốc. Chỉ trong vòng một năm, số lượng người đăng ký đạt 40 triệu.
Tháng 11/2001, Truyền kỳ bắt đầu thu phí và chưa đầy một tháng, Thịnh Đại đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Nhưng khi nó nhanh chóng leo lên top các bảng xếp hạng doanh số, Ubisoft có phần ghen tị, nên đã đưa ra yêu cầu chia lợi nhuận cao hơn và tạm dừng hợp tác, khiến Thịnh Đại rơi vào khủng hoảng.
Trong thời khắc nguy cấp, Trần đã chỉ đạo các đối tác lấy các tiệm net khắp cả nước làm điểm bán thẻ game. Nhờ chất lượng tốt và khả năng quảng bá mạnh mẽ, Truyền kỳ gần như đã càn quét toàn bộ thị trường game online, mang về doanh thu khổng lồ.
Năm 2002, quy mô thị trường game online Trung Quốc là 910 triệu tệ, trong đó 680 triệu tệ đến từ Truyền kỳ. Đến 2004, Trần Thiên Kiều, 31 tuổi lọt vào danh sách tỷ phú Forbes với khối tài sản 15 tỷ tệ, trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất Trung Quốc.
Năm 2005, công ty tiếp tục phát hành tựa game Truyền kỳ 2 miễn phí vĩnh viễn cho người chơi, chỉ thu phí bằng vật phẩm. Nhiều người cảm thấy nực cười vì nghĩ làm vậy sao kiếm tiền. Nhưng sự thật, báo cáo tài chính Thịnh Đại công bố cho thấy doanh thu game online năm 2005 đạt 1,658 tỷ tệ, tăng 37% so với năm trước.
Vào thời điểm đó, nhiều công ty game cũng nhanh chóng tung ra các loại game online, thị trường trở nên vô cùng sôi động. Song, mặt trái là nhiều thanh thiếu niên nghiện game, đột tử. Các phương tiện truyền thông coi game online là “ma túy điện tử” và mắng ông chủ Thịnh Đại là “kẻ buôn bán thuốc phiện điện tử”.
“Tôi nộp thuế hàng trăm triệu tệ mỗi năm, nhưng tôi không thể ngẩng cao đầu nói với mọi người về điều đáng tự hào này”, ông Trần nói.
Chính những khúc mắc không thể giải quyết này đã khiến ông dừng nhiều đề án game online mà công ty đề xuất, quyết định chuyển hướng kinh doanh.
Thời điểm đó ông đề xuất phát minh một thiết bị giải mã tín hiệu tích hợp các chức năng giải trí như phim ảnh, game, âm nhạc, tin tức để mỗi gia đình đều có trung tâm giải trí riêng. Đây chính là nguyên mẫu của thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình ngày nay. Ý tưởng này bị phản đối vì game online đang hái ra tiền. Nhưng Trần nói thẳng: “Việc này, bây giờ không phải là vấn đề làm hay không làm, mà là ai không làm thì người đó ra đi”.
Năm 2005, sau khi tốn vô số tâm huyết và tiền bạc, Thinh Đại Box cuối cùng cũng ra mắt. Toàn bộ sản phẩm và ý tưởng hoàn toàn giống với Xiaomi Box, Tmall Box ngày nay, chỉ tiếc sản phẩm đi trước thời đại quá sớm. Vào thời điểm đó, công nghệ, nội dung và bản quyền trong nước vẫn chưa phát triển, xem phim bị giật, chơi game bị thoát và trải nghiệm rất tệ.
Quan trọng nhất là Thịnh Đại Box bán 6.850 tệ, trong khi mức lương trung bình của người dân chưa đến 5.000 tệ một tháng. Đến đầu năm 2006, nó bị Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình “khai tử”.
Cũng thời gian đó, ông mua lại nhiều nền tảng bán vé, đọc truyện, đưa bóng dáng của Thịnh Định ở mọi nơi.
Đáng tiếc, dù có nhiều ý tưởng đi trước thời đại, số phận trớ trêu, ông không trở thành “người dẫn đầu” trong ngành Internet, mà lại là “người tiên phong dọn đường” cho các thương hiệu khác thành công.
Từ năm 2009, Thịnh Đại xuống dốc, các lãnh đạo cấp cao và nhân tài cốt cán của công ty cũng lần lượt ra đi. Đến 2014, ông tư nhân hóa Thịnh Đại, chuyển đổi thành một công ty đầu tư và dần biến mất khỏi sự quan tâm của công chúng.
“Cha đẻ game online” dường như bốc hơi khỏi trần gian. Nhiều người nói ông lâm trọng bệnh, sang Mỹ điều dưỡng.
Tuy nhiên, đến 2021 Trần Thiên Kiều “tái xuất”, lần này là thân phận một nhà đầu tư tư nhân toàn cầu, tích cực ủng hộ sự phát triển của nghiên cứu khoa học não bộ.
Vợ chồng ông và Viện Công nghệ California đã cùng nhau thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học Não bộ Thiên Kiều, quyên góp một tỷ đôla Mỹ cho nghiên cứu khoa học não bộ toàn cầu.
Ngoài ra, ông còn rất thích mua đất. Thông tin cho thấy hiện ông sở hữu 198.000 mẫu Anh tại bang Oregon, Mỹ. Phần lớn diện tích đất này được sử dụng để trồng thông, cũng mang lại cho ông nguồn thu nhập không nhỏ. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư của Trần Thiên Kiều tại Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có 8 thương vụ IPO (niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán).
Thời gian lặng lẽ trôi qua, doanh nhân Trần Thiên Kiều, hiện 51 tuổi, cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi vai trò của mình.
Bảo Nhiên (Theo QQ)