Cây đa cổ thụ rất được yêu thích trên đảo Maui bị ảnh hưởng sau đám cháy rừng khiến thân cây bị thiêu rụi và khô héo một nửa, nay phát triển xanh tốt.
Khi đám cháy rừng dữ dội tràn qua thành phố Lahaina trên đảo Maui hồi tháng 8 năm ngoái, bức tường lửa thiêu đốt cây đa 151 năm tuổi dọc theo phố Front. Nhưng cây cổ thụ sống sót qua đám cháy nhờ nỗ lực của các chuyên gia trồng cây và tình nguyện viên, một phần thân cây đang phát triển trở lại, thậm chí xanh tốt, theo Yahoo.
Cây đa ở Lahaina là cây lâu đời nhất trên đảo Maui nhưng không phải loài bản xứ ở quần đảo Hawaii. Ấn Độ gửi cây đa này làm quà tặng nhân kỷ niệm 50 năm những nhà truyền giáo Kháng Cách đầu tiên tới sống ở Lahaina. Cây được trồng vào năm 1873, 25 năm trước khi quần đảo Hawaii trở thành lãnh địa của Mỹ. Nó trở thành cây ưa thích của hàng triệu du khách ghé thăm đảo Maui qua nhiều năm. Cây đa nằm ở trung tâm của cộng đồng ven biển, mọc cao hơn 18 m và được chống đỡ bởi nhiều nhánh phụ trải rộng gần một 0,4 hecta.
Trận cháy năm 2023 khiến thân cây bị đốt thành than và đen lá. Nhưng không phải ngọn lửa mà chính nhiệt lượng đám cháy sinh ra khiến cây đa bị khô phần lớn, theo Duane Sparkman, chủ tịch Hội đồng trồng cây quận Maui. Kết quả từ tình trạng mất ẩm là khoảng 1/2 số cành cây chết héo. Bên phần bị khô đó của cây, không có cành nhánh nào mọc trở lại. Những chỗ khác hiện nay đang phát triển khỏe mạnh.
Các chuyên gia tìm cách khôi phục cây đa, cắt bỏ cành chết để năng lượng của cây tập trung vào cành có khả năng sống sót, theo Sparkman. Nhằm theo dõi quá trình, 14 cảm biến được lắp vào cây để theo dõi dòng nhựa cây chảy qua cành lá. Sparkman chia sẻ họ cũng lên kế hoạch lắp đặt những ống thẳng đứng để hỗ trợ rễ khí đâm từ cành cây xuống đất. Trong ống chứa phân giúp cung cấp dưỡng chất chủ chốt cho cành cây để bén rễ vào lòng đất. Họ cũng chuẩn bị hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt nước vào ống. Mục tiêu là giúp rễ khí to lên và trở thành nhánh chính tiếp theo. Hệ thống này cũng tưới nước cho đất đai xung quanh và tán cây.
Sparkman ước tính Lahaina đã mất 25.000 cây trong đám cháy, bao gồm cây ăn quả mà người dân trồng trong vườn cũng như các loài cây biểu tượng của Hawaii như ulu hoặc cây sa kê. Để giúp tái tạo cây trồng ở Lahaina, Sparkman thành lập tổ chức phi lợi nhuận Treecovery, trồng 3.500 cây trong những vườn ươm trên khắp hòn đảo cho tới khi người dân có thể chuyển vào vườn nhà.
An Khang (Theo Yahoo)