MỹCấu trúc đá Upheaval Dome ở bang Utah có đường kính 5 km, gồm những đỉnh nhọn lởm chởm và các vòng tròn đồng tâm kỳ lạ.
Khi các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chụp ảnh Upheaval Dome vào năm 2007, các chuyên gia đã so sánh vòm đá này với một chiếc rốn khổng lồ. Với đường kính 5 km và chiều cao 300 m, Upheaval Dome hiện vẫn gây tranh cãi về nguồn gốc hình thành.
Sự hiện diện của các tinh thể thạch anh bị chấn động cho thấy, Upheaval Dome có thể hình thành sau khi một thiên thạch đâm xuống Trái Đất 60 triệu năm trước. Các nhà địa chất cho rằng vụ va chạm của thiên thạch ban đầu tạo ra hố sâu hình chiếc bát trên mặt đất. Các cạnh hố không ổn định, cuối cùng sụp đổ. Các lớp đá bên dưới có thể đã dâng lên để lấp đầy khoảng trống, tạo thành cấu trúc có gờ rãnh như ngày nay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách giải thích này. Một số nhà khoa học tin rằng Upheaval Dome hình thành do một núi muối trồi lên dưới các lớp sa thạch ở đông nam Utah.
Một lớp muối dày có nguồn gốc từ những biển nội địa cổ đại nằm dưới Công viên Quốc gia Canyonlands. Muối tương đối nhẹ và có thể di chuyển trong đá, giống như cách băng di chuyển dưới đáy sông băng, theo Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS). Muối cũng không đặc như sa thạch nên có thể đã tạo ra một “bong bóng” khổng lồ đẩy các lớp đá dạt sang bên trong lúc trồi lên.
Tuy nhiên, Upheaval Dome không thể là bong bóng muối phủ đá sa thạch vì sự xói mòn đã làm mất đi nhiều lớp của cấu trúc qua hàng triệu năm. Thay vào đó, trung tâm của vòm đá nhiều khả năng là nền đá hình thành dưới bong bóng muối do đá rơi vào các khe nứt xung quanh mép bong bóng. Những tảng đá này có thể đã lăn xuống dọc theo rìa bong bóng và tích tụ bên dưới lớp muối, tạo ra cấu trúc gồ ghề như hiện nay. Nếu giả thuyết này đúng, Upheaval Dome sẽ trở thành cấu trúc muối bị xói mòn sâu nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra tinh thể thạch anh bị chấn động là cuộc điều tra cuối cùng được công bố về nguồn gốc của Upheaval Dome. Hiện chưa rõ liệu có nghiên cứu nào đang diễn ra để giải quyết tận gốc vấn đề gây tranh cãi này hay không.
Thu Thảo (Theo Live Science)