Theo Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ với 5.000 lồng cá, sản lượng trên 7.000 tấn/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 1.600 lao động.
Đặc biệt, trên hồ Hòa Bình có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại đầu tư nuôi cá lồng. Sản phẩm thuỷ sản phong phú, đa dạng, gồm: cá tươi sống, cá phile, cá một nắng, cá hun khói và các sản phẩm chế biến sâu đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao…
Tuy nhiên hiện nay, các cơ sở nuôi cá lồng bè đa số chưa đăng ký, chưa được cấp mã số lồng bè, trong khi trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi, lồng bè… đã được triển khai từ lâu.
Tỷ lệ cơ sở đăng ký còn khá hạn chế gây trở ngại cho việc truy xuất nguồn gốc, không đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Ngày 13.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân của vấn đề này là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký của chính quyền một số địa phương còn chậm.
Đồng thời, số cơ sở nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, nhiều cơ sở đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong thực hiện chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất; nhiều cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chưa có hợp đồng cho thuê đất mặt nước…
Theo ông Hải, cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thuỷ sản cũng giống như cấp “giấy khai sinh” cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm.
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản cần được đẩy nhanh hơn nữa để tạo đà tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản.
Về giải pháp, ông Hải thông tin – cần sớm xử lý những vướng mắc hồ sơ về giấy tờ đất cũng như cấp mặt nước, mặt biển để nuôi trồng thuỷ sản cho người dân, doanh nghiệp. Hiện đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương để đi tuyên truyền, vận động bà con hiểu và thực hiện tốt quy định này.
Cũng theo vị Chi cục trưởng, dự kiến trong năm 2024, cố gắng sẽ hoàn thành việc cấp mã số lồng bè nuôi cá.
“Mỗi người dân tham gia nuôi trồng thủy sản cũng cần nhận thức rõ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi là việc làm cần thiết để tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản, từ đó khẳng định thương hiệu thủy sản sông Đà – Hòa Bình trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu” – ông Hải nhấn mạnh.
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao nhãn hiệu chứng nhận cho hai sản phẩm “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”. Chủ sở hữu hai nhãn hiệu này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hòa Bình.
Năm 2023, chủ sở hữu đã cấp 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà – Hòa Bình”. Đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm: thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Tân Lạc – Mai Châu. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cá Sông Đà, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.