Sáng ngày 16.8, tại TPHCM, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ Carbon”.
Theo TS Nguyễn Trung Đông, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về nhiệm vụ trung hòa carbon vào năm 2050 để giải quyết biến đổi khí hậu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chính sách quan trọng.
Trong đó, có các chính sách cho phép giao dịch tín chỉ carbon, nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng vào công cuộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon.
“Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng vô cùng cần thiết”, ông Đông nhấn mạnh.
Nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Nhu cầu về tín chỉ carbon rất lớn, tuy nhiên chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần.
Một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon, song chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế. Điều đó đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26.
Ông Cao Tung Sơn – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết.
Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TPHCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật…
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược.