Chọn và sơ chế mận: Mận hậu chọn các quả to đều, mọng đỏ tự nhiên. Mận mua về nhặt bỏ cuống và lá, rửa sạch rồi ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút. Sau đó, vớt ra cho ráo nước.

Gọt vỏ mận: Tùy theo khẩu vị mà gọt vỏ hoặc không gọt. Nếu thích sốt mận sánh mịn, không bị chát hay lợn cợn nên gọt vỏ rồi ngâm vào nước sạch pha chút muối hạt. Nếu thích sốt mận còn chút vị chát và giòn dai khi ăn thì để vỏ cũng được. Sau đó, vớt ra để ráo nước, cắt lấy thịt, tách bỏ hạt.

Chuẩn bị các nguyên liệu khác: Sốt mận muối bảo quản lâu nên để tỷ lệ mận và đường khoảng 2:1 (sau khi đã bỏ hạt). Để tăng vị ngọt dịu, có mùi thơm cho 1/4 quả dứa chín băm nhỏ. Theo quy tắc phối vị cộng hưởng trong ẩm thực, thêm chút muối sẽ giúp sốt mận ngọt đậm đà hơn.

Ướp mận: Cho phần thịt mận đã gọt và tách hạt vào tô lớn, thêm 300 – 400 gr đường, 1/4 thìa cà phê muối, dứa băm nhuyễn vào trộn đều. Để ướp khoảng 1 – 1,5 tiếng đến khi đường tan, mận tiết ra nước cốt chua ngọt. Đây là bí quyết giúp trà có vị đậm đà và màu sắc đẹp mắt mà không cần chất tạo màu.

Nấu sốt mận: Nếu muốn sốt mận mịn màng nên cho vào máy sinh tố xay mịn rồi cho vào nồi nấu cho hơi sánh lại. Nếu muốn sốt mận còn chút thịt mận tự nhiên thì cho phần thịt mận và đường đã ướp vào nồi nấu ở lửa vừa. Thỉnh thoảng hớt bỏ bọt và khuấy để không bị bén đường. Sau khoảng 25 – 30 phút khi thịt mận chín mềm, hơi sánh nhẹ, nước chuyển màu đỏ tím đậm là được. Tắt bếp, để sốt mận nguội hoàn toàn và cho vào lọ thủy tinh sạch trữ ngăn mát tủ lạnh dùng dần để pha trà, làm các món ăn.

Pha trà mận: Ngâm túi trà lọc (trà lài hoặc trà ô long) với nước nóng. Sau đó rót ra cốc, thêm sốt mận (căn chỉnh vị ngọt cho vừa miệng), thêm đá viên. Trang trí bằng mận thấm chút muối ô mai, vài lát quất, nhánh bạc hà và thưởng thức.

Yêu cầu thành phẩm: Trà mận màu đỏ tự nhiên và bắt mắt, mùi thơm dịu, ngọt nhẹ, hậu vị dịu mát, dễ chịu. Một cốc trà mận giúp giải nhiệt ngày hè hiệu quả.