Ràng buộc doanh nghiệp bằng tiền cọc
Sau khi chấm dứt hoạt động dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đã đề nghị tỉnh cho chủ trương triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư mới, để tiếp tục thực hiện đầu tư dự án.
Theo ông Đặng Vĩnh Sơn – Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, việc chậm ứng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của chủ đầu tư gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Do đó, ban đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bố trí kinh phí từ ngân sách để triển khai công tác bồi thường, GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời lựa chọn nhà đầu tư mới, theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
“Trước đây, doanh nghiệp vào làm dự án không bị bắt buộc ký quỹ. Tuy nhiên, bây giờ đã có quy định mới, theo đó sẽ ràng buộc doanh nghiệp ký quỹ (tiền cọc – PV), nếu hết thời gian quy định thực hiện mà dự án vẫn không triển khai thì sẽ mất tiền ký quỹ. Như các dự án khác mới đây, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ hàng chục tỉ đồng làm điều kiện ràng buộc, để hạn chế việc doanh nghiệp bỏ dự án” – ông Sơn cho hay.
Được biết, dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại (dự án đầm Thị Nại) được Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư vào cuối tháng 5.2022, quy mô diện tích hơn 30ha, tổng vốn đầu tư hơn 795 tỉ đồng.
Mong có nơi ở mới ổn định
Theo tìm hiểu của PV, việc dự án ì ạch, chậm triển khai đã khiến hàng chục hộ dân nằm trong vùng quy hoạch phải sống khổ dưới những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp, thậm chí bỏ hoang vì dự án bất động nhiều năm.
Qua rà soát, xã Nhơn Hội có 87 hộ dân có đất bị thu hồi do ảnh hưởng bởi dự án đầm Thị Nại, trong đó có hộ nhà ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1966). Ông Hải chia sẻ, gia đình chỉ có vài vuông tôm là “cần câu cơm” để nuôi sống gia đình, nhưng giờ đã nằm trong diện giải tỏa, làm dự án. Điều khiến ông Hải cùng gia đình đau đáu mấy tháng qua là việc giải tỏa, đền bù diện tích vùng nuôi thủy sản, nhà ở vẫn chưa được thỏa đáng, thuận dân. “Tôi mong sao khi làm dự án, Nhà nước phải đền bù thỏa đáng, người dân tới chỗ mới phải có chỗ ăn, chỗ ở hẳn hoi” – ông Hải nói.
Ông Trần Văn Liêm (SN 1959, trú xã Nhơn Hội) – cho hay, khi có chủ trương đầu tư dự án, bà con ở đây rất đồng tình. Tuy nhiên, đến nay đã 2 lần chủ đầu tư bỏ dự án, khiến cho việc cuộc sống, công việc của nhiều người dân bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Vĩnh Sơn – cho biết, công tác đền bù cũng như giá cả đều được thực hiện theo quy định. Tỉnh đã có quyết định thu hồi đất để làm dự án thì sẽ tiếp tục triển khai, do đó tỉnh sẽ bố trí kinh phí để tiếp tục GPMB. Khu vực thực hiện dự án đã quy hoạch, không thể để người dân trong vùng ảnh hưởng tiếp tục xây, sửa nhà, vì càng làm người dân càng thiệt.
“Theo quy định, khu tái định cư phải được bố trí tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Sau khi tỉnh đồng ý chủ trương bổ sung kinh phí GPMB, lựa chọn nhà đầu tư mới, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp còn kiến nghị, vướng mắc, làm sao phải vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa đúng quy định pháp luật” – ông Sơn thông tin.
Dọn mặt bằng để tìm nhà đầu tư
Cuối tháng 7.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách để thực hiện bồi thường, GPMB dự án đầm Thị Nại; đồng thời, bổ sung Dự án này vào Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024, để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đề nghị của Ban Quản lý KKT tỉnh. Ông Đặng Vĩnh Sơn – cho biết, sau khi tỉnh đồng ý chủ trương, đơn vị sẽ GPMB sạch để đưa ra đấu giá tìm nhà đầu tư mới, thay vì đấu thầu hoặc giao đất rồi mới làm GPMB như trước đây.