Thị trường địa ốc có thể bước chu kỳ tăng trưởng mới nhờ lực đẩy từ khung pháp lý, lãi suất hấp dẫn và đầu tư hạ tầng tăng mạnh, theo các đơn vị nghiên cứu bất động sản.
Trong báo cáo về triển vọng ngành bất động sản nhà ở năm 2025, nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định sau khoảng thời gian đóng băng, thị trường đã vượt qua điểm đảo chiều và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm nay.
Quan điểm này được đưa ra khi 3 luật liên quan bất động sản, gồm Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ tháng 8/2024. Lực đẩy pháp lý đã thúc đẩy nguồn cung mới, cải thiện tâm lý người mua nhà (để ở, đầu tư), lãi suất ở mức hợp lý và các chủ đầu tư trở lại sau giai đoạn tái cấu trúc, thanh lọc.
Cùng với đó, theo VCBS, nhu cầu nhà ở 10 năm tới sẽ được thúc đẩy nhờ yếu tố nhân khẩu học khi nhóm dân số sinh quanh những năm 1990 bước vào giai đoạn tăng tốc mua nhà. Bởi đây cũng là thế hệ bước vào độ tuổi trên 35 đã có sự nghiệp, thu nhập tương đối ổn định, có thể chấp nhận rủi ro để vay mua nhà. Nhiều người trong số này cũng chịu áp lực gay gắt trong việc mua nhà để an cư khi thuê nhà hay sống cùng bố mẹ không còn thích hợp.
Tương tự, Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng bất động sản dân cư sẽ khởi đầu chu kỳ mới từ năm nay. Trong đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, giúp giảm bớt sự đông đúc tại nội thành, tăng kết nối giữa các tỉnh vùng ven, khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố.
Từ nay đến năm 2027, nhiều dự án giao thông quan trọng khu vực phía Nam dự kiến hoàn thành như cao tốc TP HCM – Trung Lương mở rộng, TP HCM – Chơn Thành (Bình Phước), TP HCM – Mộc Bài (Tây Ninh), mở rộng Quốc lộ 13 (nút giao Bình Phước – Cầu Bình Triệu). Tại Hà Nội, theo MBS, đầu tư công năm nay chủ yếu đến từ các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 4 và Vành đai 3,5 nhằm kết nối khu vực trung tâm với phía Đông, Tây của Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận.
Nguồn cung nhà ở cũng được dự báo tăng trưởng tích cực. Theo hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE, sau khi phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái, lượng căn hộ mới mở bán tại Hà Nội có thể duy trì trên 30.000 căn từ nay đến năm 2027. Còn TP HCM chậm hơn, khoảng 9.000 căn năm nay và tăng lên gần 14.000 căn hai năm sau đó.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết nhiều dự án cũng có kế hoạch ra hàng để đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường, nhưng nguồn cung chủ yếu vẫn được đóng góp bởi các đại đô thị của chủ đầu tư lớn ở miền Bắc.
Về giá, hầu hết các đơn vị đều dự báo vẫn neo cao tại các thành phố lớn và có thể tăng thêm với một số loại sản phẩm mới ở vùng ven. Đến hết năm ngoái, giá căn hộ mới tại Hà Nội theo thống kê của CBRE đạt bình quân 72 triệu một m2 (chưa gồm thuế, phí) và 76 triệu một m2 tại TP HCM.
Đơn vị này ước tính, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội và TP HCM có thể tăng 8% trong 2025. Sang 2026-2027, giá chung cư mới ở Hà Nội có thể tăng 6%, trong khi TP HCM cao hơn với biên độ khoảng 10%.
Dòng tiền đầu tư cũng được dự báo phía Bắc quay trở lại thị trường miền Nam. VCBS cho biết sau giai đoạn trầm lắng, nhiều dự án của chủ đầu lớn khu vực phía Nam dần được tháo gỡ pháp lý và tái khởi động. Họ dự kiến bắt đầu công bố giỏ hàng và xúc tiến bán hàng trong năm nay.
“Giá một số sản phẩm tại TP HCM còn thấp hơn Hà Nội, dù đô thị phía Nam vượt trội hơn về mặt bằng thu nhập, cơ hội công việc và tiện tích đô thị”, đơn vị phân tích này nêu.
Anh Tú