7 năm chung sống, chồng Thanh Xuân không dưới 20 lần dọa ly hôn, cả bằng lời nói và những lá đơn tự viết.
Người phụ nữ 35 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng nguyên nhân chính là do chồng cô nóng tính, hay giận dỗi. Cứ sau mỗi cuộc khẩu chiến, người đàn ông này lại mang chuyện ly hôn để dằn mặt vợ.
Biết tính chồng “nói cho thỏa cơn tức”, Thanh Xuân nghe xong thường lặng lẽ bỏ đi. Đôi lần vì quá ức chế, cô đưa con sang nhà ngoại tá túc nhưng được một lúc chồng lại nhắn tin gọi điện, tìm đủ lý do để vợ con về nhà.
Vợ anh Việt Tùng, 33 tuổi, sống tại TP Thủ Đức cũng thường lấy việc chia tay để dọa dẫm chồng. Lần đầu cô đề nghị ly hôn khi chờ đến nửa đêm anh chưa về do mải xem bóng đá với bạn bè. Thời điểm đó họ mới cưới, vừa lên kế hoạch sinh em bé. Vợ dọa ly hôn khiến Việt Tùng sợ xanh mặt, năn nỉ mấy ngày cô mới hồi tâm chuyển ý.
Nhưng người đàn ông ngày càng thấy chuyện vợ đòi ly hôn trở nên quen thuộc. Khi thì mâu thuẫn dạy con, khi chê chồng ở bẩn hay quên ngày cưới, sinh nhật. Thậm chí bố mẹ lên tiếng bênh vực Việt Tùng, người vợ cũng vin vào lý do đó để dọa chia tay. Ban đầu anh còn thanh minh nhưng sau đó chỉ im lặng. Cũng có lần người chồng thách thức lại “viết đơn đi tôi ký”, khiến bố mẹ hai bên phải can thiệp.
“Tôi thực sự mệt mỏi khi sống với người luôn coi hôn nhân như trò đùa, sểnh ra là dọa dẫm”, Việt Tùng nói.
Hành động ”dọa ly hôn” không phải hiếm có trong mối quan hệ vợ chồng. Khảo sát của VnExpress với hơn 600 độc giả cho thấy, có 53% số người được hỏi từng dọa ly hôn bạn đời sau khi cãi vã, trong đó 20% là thường xuyên.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, những người hay “dọa ly hôn” thực chất còn non nớt về mặt cảm xúc và khả năng xử lý xung đột kém. “Họ sử dụng phương pháp này vì không biết cách giải quyết mâu thuẫn nhưng lại muốn giành chiến thắng trước bạn đời và kiểm soát được tình hình chung”, ông Hòa nói.
Hành động “dọa ly hôn” là cách thể hiện nhu cầu trá hình nhằm trút bỏ sự bất mãn, đưa ra lời cảnh báo để đối phương hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thông thường, đây được xem như một báo động đỏ để bạn đời phải nhìn nhận và thay đổi hành vi của mình.
Tâm lý của người hay dọa ly hôn thực chất là bất an, có thể do thuở nhỏ bị cha mẹ dọa “nếu không ngoan không ai cần con nữa”. Cách hành xử này sẽ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ của con cái khi trưởng thành. Một khi xảy ra xung đột với bạn đời, họ sẽ không nghĩ ra cách giải quyết mà chỉ cảm nhận bản thân không được trân trọng, yêu thương, thậm chí sắp bị đối phương bỏ rơi. Để ngừng cãi vã và tránh thất bại, họ dùng cách dọa ly hôn với hy vọng bạn đời sẽ quan tâm tới mình hơn.
Theo ông Hòa, hầu hết những người thường xuyên “dọa ly hôn” đều hy vọng đối phương không rời bỏ mình. Họ dùng cách này như một phương pháp trừng phạt, đôi khi chỉ mang tính thách thức. Tuy nhiên nếu “già néo đứt dây”, mang ly hôn ra để nói như một cách thức đày đọa, tạo áp lực sẽ khiến hôn nhân trở nên chông chênh và khó kiểm soát.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên tâm lý của Đại học Văn Lang, TP HCM cho rằng, ly hôn thường là giải pháp cuối cùng khi không còn cơ hội cứu vãn. Bởi vậy, nhiều người đã dùng chính giải pháp này để hù dọa bạn đời với mục đích nhắc nhở đối phương hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên nếu lạm dụng, lời đe dọa sẽ trở nên vô thưởng, vô phạt.
“Việc dọa ly hôn thường xuyên giống như con dao hai lưỡi. Nếu khéo léo, biết đủ sẽ giúp cắt bỏ những yếu tố tiêu cực, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân còn ngược lại có thể làm chính mình bị thương”, bà Lưu nói.
Như với Thanh Xuân, sống với người chồng thường xuyên dọa chia tay, cô thấy vô vị và tẻ nhạt. Gần đây, khi anh tiếp tục sử dụng biện pháp này để kết thúc cuộc cãi vã, Xuân quyết định biến “giả” thành “thật” khi ký vào đơn ly hôn chồng chuẩn bị sẵn, coi như duyên số đã hết.
“Thuốc còn nhờn huống chi là lời nói”, cô nói với chồng.
Cũng không thể chịu được tính “động tý đòi ly hôn” của vợ, anh Việt Tùng quyết định chấm dứt hôn nhân bởi cảm thấy ngột ngạt. Anh giải thích, khi mâu thuẫn, việc vợ chồng cần làm là giữ bình tĩnh để cùng giải quyết khúc mắc, không phải lúc nào cũng lôi ly hôn ra như biện pháp cuối cùng.
Thấy chồng gay gắt, người vợ cảm thấy hối hận vì hành động của mình. Cô cho rằng thực chất mang việc ly hôn ra dọa để mong anh thay đổi mà thực sự không muốn chia tay.
Trước vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đào Lưu cho rằng, mỗi người cần hiểu đúng và đủ của việc ly hôn. Cần thận trọng khi nói những lời này bởi dù vô tình trong lúc nóng giận, lời nói phát đi sẽ không thể rút lại, rất dễ gây ra những tổn thương cho đối phương và cả chính mình.
Nữ chuyên gia cho rằng, ly hôn không phải là vũ khí để làm tổn thương người khác. Giữa vợ và chồng cần khéo léo kiểm soát cảm xúc, thống nhất với nhau phải “kéo” những lời nói nhạy cảm như “ly hôn”, “chia tay” vào “khu vực cấm” khi đôi bên đang nóng giận.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cũng đồng tình với quy tắc này. Theo ông thay vì nói ly hôn khi tức giận, nên thể hiện cảm xúc thật với bạn đời sau xung đột. Ví dụ chia sẻ bản thân đang cảm thấy buồn phiền hoặc cô đơn như thế nào khi không được đối phương lắng nghe và thấu hiểu.
Với những người hay dọa ly hôn, trước khi nói ra điều này, cần trả lời những câu hỏi sau: Tại sao nghĩ tới việc ly hôn? Ly hôn có giúp mình đạt được kết quả mong muốn không? Điều gì thực sự khiến bản thân không vui hoặc khó chịu? Tôi cần gì từ người bạn đời của mình?.
Ông Hòa nói khi trả lời hết những câu hỏi này vẫn thấy hôn nhân thực sự không thể cứu vãn, buộc đi đến quyết định chia tay thì mới nên làm. Còn nếu chỉ là nóng giận nhất thời, nên kiềm chế lại, không mang chuyện ly hôn ra dằn mặt đối phương, bởi sẽ càng đào sâu thêm hố ngăn cách tình cảm giữa vợ và chồng.
Theo vị chuyên gia, hôn nhân là mối quan hệ phụ thuộc và hợp tác lẫn nhau, không phải lúc nào cũng êm đềm mà cần được duy trì bằng tình yêu, sự cảm thông, bao dung và trân trọng từ hai phía.
“Nói ly hôn trong lúc tức giận rất dễ mở ra những cánh cửa mà người nói trước đó không hề có ý định mở, nhưng khi nhận ra mới hiểu chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng đóng lại được”, ông Hòa khẳng định.
Hải Hiền