Ngày mới sang Australia, Lê Thị Trang đã lường trước những khó khăn nhưng không ngờ mọi thứ vượt xa tưởng tượng của cô: Chồng không việc làm, không nhà, không tiền.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, chàng thợ sửa xe Christopher Rawsthorne, 25 tuổi, ở thị trấn Trundle, bang New South Wales cảm thấy cuộc sống mất phương hướng, quá buồn tẻ nên quyết định nghỉ việc, bán hết tài sản gom tiền đi du lịch bụi khắp Đông Nam Á.
Đến Việt Nam, Christopher thuê một hostel giá rẻ ở trung tâm TP Huế và gặp cô lễ tân Lê Thị Trang, năm đó 19 tuổi. Những cuộc trò chuyện làm họ cảm mến nhau nhưng cô gái nghèo ở thị trấn Thuận An luôn mặc cảm, không dám nghĩ xa.
Trang là chị cả trong gia đình bốn anh em, học hết lớp 7 thì bỏ đi nhặt ve chai, giúp việc và bán hàng rong ở biển Thuận An đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Sau này Trang đến TP Huế xin làm tạp vụ rồi sang làm lễ tân.
Sự thật thà của cô gái Huế đã khiến chàng trai Australia nảy sinh tình cảm. Anh gia hạn visa để ở lại Việt Nam. Chuyến đi dự kiến ba tháng kéo dài thành 6 rồi 9 tháng.
Giữa năm 2010, Christopher ghé thăm gia đình Trang. Đó là một ngôi nhà dột mái, không nhà vệ sinh, không bàn ghế. Anh ngồi bệt xuống nền gạch ăn bữa cơm chỉ rau với mắm cùng gia đình bạn gái. Trước hôm về nước, chàng trai Australia dành nốt những đồng tiền cuối cùng mua tặng gia đình Trang chiếc tủ lạnh, thùng sữa chua, vài túi bánh. Cô gái cũng chỉ kịp nói “ta chờ mi” rồi òa khóc.
Năm 2011, anh lần nữa đến Việt Nam, họ đính hôn. Cô theo chồng sang Australia vào đầu 2012.
Trong quá trình yêu, Christopher nhiều lần nói cuộc sống của một thợ sửa xe như anh ở Australia cũng khá chật vật. Nhưng khi đặt chân đến quê chồng, Trang vẫn sốc. Chồng cô đã nghỉ việc, không nhà, không xe, toàn bộ tiền tiết kiệm đã đổ vào những chuyến du lịch bụi.
“Tôi ở Việt Nam cũng chỉ có bàn tay trắng, cực khổ quen rồi nên tin mình làm lại được”, cô nói.
Họ ở nhờ nhà chị gái của Christopher ở Sydney hai tuần. Sau đó anh chồng thuê một chiếc xe cũ để chở vợ về Trundle sống cùng bố. Gia tài của vợ chồng trẻ lúc đó chỉ còn 500 AUD.
Nhưng thị trấn chỉ khoảng 100 cư dân như Trundle không có cơ hội việc làm cho người nhập cư như Trang. Vợ chồng họ lại khăn gói đến TP Orange, cách đó 150 km xin việc.
Anh gọi điện vay chị gái 2.000 AUD để đặt cọc thuê nhà. Bố Christopher thương con dâu mới sang đất khách nên cho mượn tủ lạnh, bàn ghế, bát đũa, tủ và giường. Hai tuần sau, anh xin được việc sửa xe cần cẩu còn Trang được nhận làm phục vụ trong một nhà hàng, lương 13 AUD một giờ.
Họ chỉ có chiếc xe để Christopher đi làm xa. Nhà không thuận tuyến xe buýt nên hàng ngày Trang đi bộ 45 phút mỗi ngày đến chỗ làm. Vài tháng sau, cô tích cóp mua được xe đạp.
“Tôi nể sự cần kiệm và chịu khó của người Việt”, Christopher nhớ lại.
Khi họ ổn định kinh tế thì Trang bắt đầu thuyết phục chồng mua nhà vì nghĩ phải “an cư thì mới lạc nghiệp”. Cặp vợ chồng bước vào những ngày tiết kiệm đến mức tối đa, dè sẻn từng bữa ăn, miếng sandwich cũng chia đôi để góp đủ tiền đặt cọc mua căn nhà 400.000 AUD rộng 617 m2 vào tháng 11/2013.
Khi con đầu lòng cứng cáp, Trang bán thêm khô bò ở chợ Orange để có thêm thu nhập trả nợ.
Giữa 2014, Trang tình cờ xem được video về mô hình food truck (bán đồ ăn trên xe tải) ở Mỹ. Cô nảy ra ý tưởng làm food truck ở Australia với món bánh mì Việt Nam. Ngay trong đêm, Trang liên hệ với nhà cung cấp và nhận báo giá 130.000 AUD cho xe tải cỡ lớn, bao gồm thiết kế quầy, bố trí bếp.
Nhưng Christopher cho kế hoạch này là “điên rồ”, số tiền cũng vượt xa mọi khả năng của vợ chồng. Họ cãi nhau kịch liệt và suýt ly hôn.
“Tôi biết mình liều nhưng không làm sẽ không bao giờ biết có thành công hay không”, Trang nói.
Không thuyết phục được chồng và cũng không thể vay mượn được ai, cô gọi về cho mẹ ở Việt Nam xin cầm giấy tờ nhà để vay tiền. Trong vài tháng sau đó, Christopher chứng kiến cảnh vợ chạy đôn đáo chuẩn bị chi phí, từng dụng cụ bếp nên anh dần xiêu lòng. Họ quyết định cùng nhau khởi nghiệp lần thứ nhất.
Món bánh mì thịt nướng kiểu Huế đã thành công vượt mong đợi của Christopher. Mỗi sáng, dân công sở xếp hàng 50-60 người trước xe food truck của Trang. Người Australia thích vị cay nồng của nước sốt, thịt mềm và bánh mì giòn.
Sau 5 tháng, xe food truck đầu tiên sắp hòa vốn thì họ bị những hộ dân lân cận khởi kiện vì đỗ xe ở khu dân cư. Trang lại mất thêm vài tuần chật vật chạy khắp nơi tìm thuê chỗ đứng bán hàng. Cuối cùng, cô tìm được chỗ đậu ở gần ga tàu hỏa.
Khách ngày càng đông nhưng Trang không tuyển được nhân viên phụ việc. Dân Australia ít chọn việc phục vụ trong khi người nhập cư ở Orange không nhiều. Cô gái Huế phải tự làm mọi việc từ pha chế nước sốt, ướp thịt, nướng và thái rau củ. Có hôm, cô thức đến 3h sáng, người mỏi nhừ, chân tê cứng.
Cuối cùng, Trang chọn cách bảo lãnh bố mẹ từ Việt Nam sang để bán phụ. Vợ chồng cô thêm món bún thịt nướng, chả giò, thịt rim tôm, bánh bao.
Tháng 7/2017, vợ chồng Christopher khởi nghiệp lần thứ hai mới một nhà hàng Việt. Năm 2019, họ mở thêm quầy đồ ăn trong chợ ẩm thực (food court). Cùng thời điểm, Trang mang thai con thứ ba.
Trước ngày sinh, Trang vẫn phải thức đêm ngồi pha nước sốt để mẹ ướp thịt. Cô nghĩ “nếu làm được sốt đóng chai thì tiện quá”. Thời gian ở cữ, cô nghiên cứu thêm về ý tưởng khởi nghiệp này.
Hè năm 2023, Trang khởi nghiệp lần thứ ba. Vợ chồng cô thuê một khu xưởng 175 m2 để làm nơi sản xuất các loại gia vị cho món ăn Việt như xào, kho và trộn gỏi. Trang làm việc từ 4h sáng đến 0h mỗi ngày, gần như kiệt sức. Cuối cùng cô phải đóng cửa nhà hàng để tập trung cho xưởng và thêm thời gian với ba con đang lớn.
Những sản phẩm đầu tiên của lần khởi nghiệp này nhanh chóng được người dân Australia đón nhận. Hiện nay nước sốt, gia vị của Trang đã có mặt ở 30 cửa hàng và siêu thị phân phối trên toàn Australia. Xe food truck của họ vẫn mang lại thu nhập ổn định khoảng 15.000 AUD mỗi tháng.
Giữa tháng 11, vợ chồng Christopher Rawsthorne ngồi tính toán và nhận ra họ sắp trả hết nợ căn nhà 400.000 AUD, điều mà chàng thợ sửa xe như anh chưa bao giờ nghĩ đến trước đó.
“Cuộc sống của tôi được như hôm nay là nhờ cô ấy”, người đàn ông Australia nói.
Ngọc Ngân