Một mặt hàng của Việt Nam được Mỹ, Ý và cả ASEAN ráo riết “săn lùng”, thu về hơn 5,5 tỷ USD kể từ đầu năm

Mỹ đã chi hơn 923 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024, đạt 1,1 triệu tấn, tăng 89% về lượng và hơn 91% về trị giá so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2024, cả nước xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 775 triệu USD, cùng tăng 5% so với tháng trước.

Kết quả trên đưa tổng lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 7 đạt hơn 7,5 triệu tấn với trị giá khoảng 5,5 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, lượng và trị giá sắt thép xuất khẩu lần lượt tăng 18% và 11%.

Giá thép xuất khẩu trung bình trong giai đoạn này đạt khoảng 733 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ.

Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang hơn 30 thị trường

Trong các tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 2 và tháng 6, lượng xuất khẩu sắt thép luôn duy trì ở mức cao, với hầu hết các tháng đều đạt trên 1 triệu tấn. Riêng 15 ngày đầu tháng 8/2024, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 531.000 tấn.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang 30 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 với 1,1 triệu tấn với trị giá 923 triệu USD, lần lượt tăng 89% và 91% so với cùng kỳ.

Trong giai đoạn này, Italy là thị trường lớn thứ hai với hơn 922.000 tấn, trị giá 578 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 24% về giá trị so với cùng kỳ.

Campuchia đứng thứ ba với 674.948 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch 427 triệu USD, nhưng giảm 6% về giá trị.

Trong khu vực ASEAN, ngoài Campuchia, Việt Nam còn xuất khẩu sắt thép sang 5 thị trường khác là Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9%. Tuy nhiên, sự hồi phục này không đồng đều giữa các khu vực.

Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, nhu cầu thép dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức 0% do thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu. Ngược lại, các quốc gia như Mỹ và EU lại có triển vọng tích cực hơn với mức tăng trưởng lần lượt là 1,6% và 5,8%.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp thép cần phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe từ các thị trường nhập khẩu và đối phó với các biện pháp chống bán phá giá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *