Tương lai sẽ là của Trịnh Thu Vinh?
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn đang là người có dấu ấn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic khi đạt một Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc (tại Olympic Rio de Janeiro 2016). Qua 8 năm, chúng ta chưa tìm được người nối tiếp Hoàng Xuân Vinh để giành huy chương tại Olympic Paris 2024.
Khi về nước sau Olympic Paris 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh khẳng định mình đã học hỏi được nhiều điều từ thi đấu tại Olympic đầu tiên của sự nghiệp. Quan trọng hơn, Thu Vinh cho rằng mình không sớm hài lòng với kết quả hạng tư tại Olympic Paris 2024 mà quyết tâm thay đổi mạnh mẽ hơn hướng đến tìm một suất tham dự Olympic vào năm 2028, cũng như phải quyết tâm giành huy chương. Trịnh Thu Vinh chính là người có kết quả nổi bật nhất ở Olympic Paris 2024 vừa qua.
Ngay tại Paris, lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam khẳng định, việc đầu tư trọng điểm cho bắn súng là tiếp tục trong giai đoạn sắp tới và Trịnh Văn Vinh là một trong những người phải được sự đầu tư mạnh mẽ nhất.
Tại Olympic Tokyo 2020, tuyển thủ Quách Thị Lan (điền kinh) là người để lại kết quả tốt nhất khi lọt vào bán kết nội dung 400m rào nữ. Sau Thế vận hội trên, rất nhiều người hy vọng Quách Thị Lan sẽ là một thần tượng để nhiều người hâm mộ thể thao dõi theo, cổ vũ cô đạt thành tích cao hơn nữa. Tiếc là Quách Thị Lan vướng vào giai đoạn bị cấm thi đấu do dính doping và bây giờ mới trở lại thi đấu.
Bây giờ, sau Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh chắc chắn được chú ý nhiều hơn. Ngoài cô, chúng ta ghi nhận ba tuyển thủ khác là Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông).
Họ cũng là những thần tượng, được nhiều người hâm mộ cổ vũ. Tuy thế, Nguyễn Huy Hoàng chỉ đủ cơ hội tranh chấp huy chương ở Đông Nam Á và ASIAD. Trình độ của tuyển thủ trên đấu trường Olympic vẫn còn thua trước nhiều đối thủ quốc tế.
Người nào đủ cơ hội giành huy chương?
Thể thao Việt Nam dự Olympic Paris 2024 trong các môn thể thao gồm xe đạp, điền kinh, cử tạ, bắn súng, bắn cung, cầu lông, boxing, judo, canoeing, rowing, bơi. Chưa ai dám khẳng định tuyển thủ của các môn này sẽ tiếp tục giành được suất chính thức dự Olympic vào năm 2028. Sự chuẩn bị cho đấu trường Olympic 2028 sẽ còn trải qua một giai đoạn quan trọng là thể thao Việt Nam phải thi đấu ASIAD 20 vào năm 2026.
“Phấn đấu có từ 18-25 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương tại Olympic 2024; có từ 25-30 vận động viên vượt qua vòng loại và có huy chương Olympic năm 2028; phấn đấu có trên 30 vận động viên vượt qua vòng loại và có Huy chương Vàng tại các kỳ Olympic trong giai đoạn 2031-2050”, đó là mục tiêu được ngành thể thao đề ra trong Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lúc này, chúng ta vẫn đang phải tìm con người có trình độ thực chất (từ huấn luyện viên đến vận động viên) để hiện thực mục tiêu ấy.
Trong phân tích và định hướng của Cục Thể dục – Thể thao tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 diễn ra tháng 12.2023, nhà quản lý từng đưa ý kiến sẽ xây dựng, tuyển chọn các vận động viên nòng cốt để từ đó chọn ra nguồn lực khoảng 30 tuyển thủ tiêu biểu nhất, đủ khả năng tranh huy chương cao nhất tại đấu trường ASIAD và Olympic.
Gần nhất tại ASIAD 19 (đấu trường thể thao lớn nhất của châu Á), chúng ta đạt 3 tấm Huy chương Vàng nhưng trong đó chỉ có 1 Huy chương Vàng ở nội dung cá nhân (Phạm Quang Huy, bắn súng). Phạm Quang Huy không giành được suất Olympic Paris 2024. Tương lai, Quang Huy, Thu Vinh vẫn là những điểm sáng để bắn súng Việt Nam hướng đến tranh các kết quả cao nhất. Với cử tạ, sau Trịnh Văn Vinh, lực lượng trẻ nội dung 61kg nam sẽ được thay thế trong thời gian tới đây.