Doanh nghiệp nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững
Sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ năm 2015, với vai trò là thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Theo ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – dù đã đạt được nhiều kết quả, tiến bộ trong việc ban hành chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, song vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức ở phía trước, làm sao sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá: “Đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường; thực hiện tái chế, kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hóa quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, ông Tạ Đình Thi nhận định, các hoạt động này chưa có tính bền vững, việc sử dụng túi nylon, bao bì khó phân hủy vẫn còn phổ biến, chưa có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh; chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế…
Người tiêu dùng cải thiện về nhận thức với sản phẩm xanh
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Tùng Bách – Phó Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cho biết, hiện nay nhận thức và hành động của người dân về tiêu dùng xanh ngày càng được nâng cao. Người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm xanh, lựa chọn các sản phẩm có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Theo một báo cáo mới nhất, doanh thu của các sản phẩm xanh đã tăng khoảng 15% trong thời gian gần đây, chứng tỏ sự cải thiện đáng kể trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng.
“Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào hoạt động sản xuất xanh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải carbon. Rõ ràng đã có sự tương tác giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất xanh. Doanh nghiệp cung cấp thông tin và sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời có những biện pháp hỗ trợ như cung cấp thông tin, kiểm soát thông tin, hỗ trợ về tài chính để giảm giá thành sản xuất” – ông Hồ Tùng Bách cho biết.
Theo ông Hồ Tùng Bách, mặc dù đã có nhiều diễn biến tích cực của doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng bền vững nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Đơn cử, chi phí sản xuất xanh cao hơn, đòi hỏi nguồn lực lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm xanh thường cao hơn so với sản phẩm thông thường và mặt bằng thu nhập chung của người dân.
Trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững. Hay sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cũng là một thách thức lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế như nguồn nguyên liệu tại chỗ, mô hình sản xuất theo mùa và sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.