Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi thị trường bất động sản trầm lắng, đặc biệt những công ty xây dựng có liên quan nhiều đến bất động sản. Trong bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc, giảm chi phí để có kết quả khả quan trong nửa đầu năm nay.
Điển hình, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) ghi nhận doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận tăng. Nguyên nhân chủ yếu nhờ doanh nghiệp giảm giá vốn, cắt giảm chi phí giúp lãi tăng.
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Vinaconex đạt 2.799 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn kỳ này ở mức hơn 2.459 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ giúp lợi nhuận gộp của Vinaconex đạt gần 340 tỉ đồng, kéo biên lãi gộp lên 12%, cải thiện đáng kể so với 9,4% cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, chi phí bán hàng chỉ còn hơn 1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước hơn 23 tỉ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cùng giảm mạnh 28%, còn 14,6 tỉ đồng. Kết quả, Vinaconex báo lãi sau thuế đạt 163 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 5.449 tỉ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 645 tỉ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) dù báo lãi đột biến nhưng chủ yếu nhờ việc thanh lý tài sản, máy móc thiết bị.
Trong quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.160 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh và vẫn ở mức cao nên lợi nhuận gộp chỉ còn 99,8 tỉ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,2% cùng kỳ năm trước, xuống còn 4.6% kỳ này.
Đáng chú ý, Hòa Bình ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 46 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên), Công ty cổ phần Cơ khí và nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).
Đặc biệt, công ty có khoản thu nhập khác đạt gần 527 tỉ đồng, nguồn thu này đến từ hoạt động bán máy móc thiết bị ra bên ngoài. Kết quả, Xây dựng Hòa Bình lãi hơn 684 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 268 tỉ đồng. Trong lịch sử hoạt động, kết quả này phản ánh quý lãi cao nhất của doanh nghiệp.
Nhờ kết quả này nên nửa đầu năm, Xây dựng Hòa Bình lãi gần 741 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ 713 tỉ đồng. Kết quả này cũng giúp khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp giảm gần 23%, xuống còn 2.498 tỉ đồng tại ngày 30.6.
Tại CTCP Xây dựng 47 (Mã: C47) tình hình khá ảm đạm với doanh thu thuần hợp nhất giảm gần một nửa, chỉ còn 160 tỉ đồng. Giá vốn tiếp tục ở mức cao, với 138,6 tỉ đồng, chiếm tới 86% doanh thu, kéo lợi nhuận gộp giảm còn 21 tỉ đồng. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp kỳ này ở mức 13,1%, cải thiện so với 8% cùng kỳ năm trước.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế tại Xây dựng 47 còn 1,3 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước lợi nhuận của doanh nghiệp cũng chỉ ở mức dưới 1,2.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 301 tỉ đồng, giảm 29,7%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 6 tháng qua chỉ đạt 2,5 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước ở mức 3,2 tỉ đồng. Với kết quả này, Xây dựng 47 mới thực hiện 10% kế hoạch năm.
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) cũng kém khả quan với doanh thu thuần hợp nhất quý II/2024 đạt 437 tỉ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước, do sản lượng thi công giảm mạnh. Giá vốn vẫn ở mức cao, lên tới 401 tỉ đồng, chiếm 91% doanh thu, kéo lợi nhuận gộp xuống còn 36 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận Hưng Thịnh Incons lao dốc 97%, chỉ còn gần 2 tỉ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 900 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn nửa, còn 12 tỉ đồng.