MỹTrong căn bếp ở Seattle, Sean Ventrella thò ngón tay vào nồi để đo mực nước rồi cắm điện và bật nút nấu cơm, chuẩn bị cho bữa chiều.
“Mẹo canh nước vừa đủ với lượng gạo này tôi học của người Việt và nó vô cùng hiệu quả”, Sean nói.
Lúc chờ cơm chín, người đàn ông 33 tuổi lấy ra ít dưa cải chua tự muối từ tuần trước, rửa và thái nhỏ. Cạnh bên, nồi sườn non nghi ngút khói, Sean mở nắp, dùng đũa xăm thử xem độ mềm của thịt.
Video nấu cơm của Sean thu hút gần ba triệu lượt xem trên một nền tảng mạng xã hội. “Nếu che mặt, tôi chắc chắn nghĩ đây là quá trình nấu cơm của một người Việt chứ không phải người Mỹ”, một bình luận được hơn 1.000 lượt thích, viết. Tài khoản khác viết: “Thao tác gọn gàng, nguyên liệu chuẩn Việt”.
Trên kênh của mình, Sean còn chia sẻ video nấu các món Việt khác như bò lúc lắc, phở, cơm nhà. Mỗi video đạt hơn 200.000 đến vài triệu lượt xem. Trong hai tháng qua, anh nhận hàng nghìn bình luận hỏi công thức, cách muối dưa hay nấu nước dùng phở.

Sean nấu ăn trong căn bếp ở TP Seatle, Mỹ, tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sean Ventrella, một kỹ sư phần mềm ở Seattle, lần đầu tiên biết đến các món ăn Việt khi quen Vân Khánh (sau này là vợ anh) năm 2017. Những buổi hẹn hò của họ thường diễn ra tại các nhà hàng Việt, nơi Khánh đưa Sean đi từ “ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác” với phở, bún bò, bánh xèo, bún chả.
“Món Việt có phong cách khác hẳn, gia vị đa dạng, rau tươi luôn đi kèm giúp cân bằng độ béo của món ăn”, Sean nói. Anh thậm chí thích cả những món có mùi mạnh như mắm.
Vợ anh, chị Vân Khánh sang Mỹ định cư từ năm 2008. Mẹ cô từng mở một quán ăn ở quận 7, TP HCM. Dù quán không còn, ký ức về hương vị cũ vẫn theo cô đến nay.
Nửa năm đầu quen nhau, Sean tập nấu món Việt để Khánh nếm thử, xem có giống với những gì cô nhớ từ thời thơ ấu không. Họ sống gần các chợ và siêu thị châu Á, nên anh dễ dàng tìm được nguyên liệu như bún, phở và nước mắm.
Món đầu tiên anh học là phở đuôi bò. “Nó thật sự rất khó”, Sean nói. Món ăn Việt giống như “ráp một cỗ máy, thiếu một chi tiết là không chạy” với hàng chục nguyên liệu và từng bước không thể làm tắt. Nước dùng thanh tao tưởng đơn giản nhưng phải được hầm cùng củ hành nướng, gừng, hồi, thảo quả. Bên cạnh đó, xương bò cũng được ninh lâu, vớt bọt thường xuyên để giữ vị trong và không bị lẫn mùi.
“Ăn và nấu là hai trải nghiệm hoàn toàn khác, nó giúp tôi hiểu sâu sắc ẩm thực Việt”, Sean nói.
Năm 2018, Sean và Vân Khánh kết hôn. Họ lần lượt chào đón hai con trai Oliver và Henry. Động lực học nấu món Việt của Sean rõ ràng hơn khi muốn các con biết ẩm thực quê mẹ.
“Dạy tiếng Việt cho các con trên đất Mỹ đã đủ khó khăn cho Khánh, nên tôi sẽ lo món ăn”, Sean nói.

Sean Ventrella khoe cụm cây tỏi tự trồng ở vườn nhà ở TP Seatle, Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh nấu gần như toàn bộ các bữa cơm nhà bằng món Việt. Sean mua sách nấu ăn, lật từng trang, chọn món nghe lạ hoặc thú vị để thử với độ khó tăng dần.
Nhưng cũng có những món anh không học qua sách mà video của người bán trên đường phố Việt Nam rồi tập làm theo, ví dụ món bánh xèo. Ban đầu, anh vò đầu bứt tai bởi không biết vì sao lớp vỏ tráng ngoài rất dễ rách. Đọc hết bình luận của người xem Sean nhận ra mấu chốt ở tỷ lệ bột và bí quyết là phải dùng chảo thép không gỉ và rưới dầu quanh mép chảo giúp bánh không rách. “Hiện, tôi khá tự tin, giống như lật bánh crepe mà không làm vỡ”, anh nói.
Tuy nhiên, cơm nhà ba món vẫn là thử thách thú vị nhất, đặc biệt là cá hoặc thịt kho. Sean nấu theo ký ức vị giác của vợ, với nước mắm là gia vị chính.
Anh toát mồ hôi trong bếp khi caramel kho cá (nước hàng, kẹo đắng) được làm từ đường và nước, cứ cháy. Mỗi lần sai, anh lại ghi chú cho đến khi món ăn “gần đạt” và trở thành hoàn hảo, theo nhận xét của vợ.
Sean cho rằng đồ ăn ở Việt Nam dạy anh nhiều điều. Anh nhớ lúc cả gia đình và họ hàng vợ cùng quây quần bên mâm cơm, cảm giác rất khác so với bữa ăn ở Mỹ, nơi ăn uống thường chỉ là nhu cầu cá nhân, còn ở Việt Nam, bữa ăn rõ ràng là một phần của kết nối và giao lưu. Động lực của anh là bé Oliver luôn thích phở và cơm tấm, còn con trai út Henry thì ăn gần như mọi thứ mà vợ chồng anh đưa.
Năm 2023, cặp vợ chồng Việt – Mỹ về Việt Nam lần đầu. Sean nhận thấy ăn uống ở đây khác hẳn. Rau, cá, thịt đều tươi, nhưng điều khiến anh ấn tượng nhất là không khí. Ngồi trên ghế nhựa đỏ, vai chạm vai với người lạ, ăn bánh mì chảo vào buổi sáng rồi mua ly nước mía ngay bên đường mang lại cảm giác gần gũi, độc đáo.
“Người bán hàng rong như đầu bếp lành nghề, thậm chí họ đã nấu món ăn đó hơn 30 năm”, anh nói.
Trở về Mỹ, Sean thêm động lực để thử các món phức tạp hơn như bún bò và tự muối cải chua, nguyên liệu khó tìm trong siêu thị. Họ cũng tổ chức tiệc Tết tại nhà, toàn bộ nguyên liệu được chuẩn bị sẵn để anh có thể tập trung vào thứ tự nấu và căn thời gian, không bị phân tâm bởi việc quên gì trong danh sách.

Gia đình Sean Ventrella trong chuyến du lịch Việt Nam năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dương Bất Hối, 31 tuổi, quen vợ chồng Sean khoảng 8 năm, cũng có mặt. Cô nói một trong những “ngôn ngữ yêu thương” của Sean là nấu ăn cho mọi người, từ chuẩn bị đến dọn lên bàn.
Sean cho biết mỗi món anh đều nấu có chủ đích, xem đó cách tôn trọng ẩm thực Việt, nền văn hóa của đất nước mà vợ anh lớn lên. Do đó, Sean luôn cố gắng giữ đúng tinh thần món ăn gốc. Bất Hối đã thưởng thức bò kho, thịt ba chỉ xào với dưa cải chua và bò lúc lắc của Sean.
“Mỗi khi trời trở lạnh là tôi lại đến nhà họ dùng bữa, rất ấm cúng”, cô nói.
Trong khi đó, Vân Khánh đã cảm thấy bất ngờ khi chồng tiến bộ trong các món Việt. Cô luôn nếm thử món ăn trong lúc Sean nấu.
“Tôi rất hạnh phúc bởi những món ăn này”, cô nói.
Video Sean nấu món phở đuôi bò.
Ngọc Ngân